Cách phòng ngừa và điều trị bệnh đau mắt đỏ

Như Thúy, icon
10:28 ngày 25/10/2018

VTV.vn - Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng kết mạc viêm gây ra bởi vi khuẩn hoặc vi rút với biểu hiện là đỏ mắt.

Hình minh họa (Ảnh: Medicalnewstoday)

Theo BS CKII. Trịnh Bạch Tuyết - Trưởng Khoa mắt và BS CKI. Mai Thị Hương Thảo - Khoa mắt, Bệnh viện Quốc tế City, bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt bên kia. Bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiễm lại sau khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ ít để lại di chứng, nhưng thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Một số trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu ảnh hưởng thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và điều trị kịp thời khi mắc bệnh.

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ

- Mắt đỏ và có ghèn.

- Không giảm thị lực.

- Mi mắt sưng đau.

- Cảm giác cộm xốn như có cát trong mắt.

- Có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Đường lây bệnh

- Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay.

- Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, điện thoại.

- Dùng chung đồ như khăn mặt, gối.

- Sử dụng nguồn nước bẩn như ao, hồ, bể bơi.

- Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.

Cách phòng bệnh

- Khi không có dịch đau mắt đỏ: cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Dùng riêng gối, chăn, khăn rửa mặt, giặt sạch khăn mặt và phơi khăn ngoài nắng hàng ngày. Không được dùng tay dụi mắt, thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc mắt.

- Khi đang có dịch đau mắt đỏ: ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý: rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hàng ngày bằng nước muối 0,9%, ngày 2-3 lần; không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người đau mắt; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt, hạn chế đến những nơi có nhiều mầm bệnh như: bệnh viện, chỗ đông người... Không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không đi bơi.

Xử trí khi có bệnh hoặc nghi ngờ bệnh đau mắt đỏ

- Rửa mắt 2-3 lần/ ngày bằng nước muối 0.9%.

- Tránh khói bụi, đeo kính khi ra khỏi nhà.

- Trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đi bơi hay tham gia hoạt động tập thể để tránh lây nhiễm.

- Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng.

- Cần vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc mắt.

- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, dùng thuốc theo đơn. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt.

- Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.

- Không đắp các loại lá hoặc chất kích thích vào mắt.

Khi có dấu hiệu của bệnh mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để khám, được tư vấn và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục