Cẩn trọng khi ăn bánh Trung thu để bảo đảm sức khỏe

Minh Đức, icon
05:00 ngày 08/09/2016

VTV.vn - Bánh Trung thu là thức quà ngon nhưng bạn nên cẩn thận khi cho gia đình thưởng thức bánh để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe

Bánh trung thu luôn là thứ quà không thể cưỡng đối với bất cứ ai vào dịp Rằm tháng Tám này. Những chiếc bánh nướng vàng ươm, bánh dẻo trắng tinh thơm nức mùi hoa bưởi luôn mang lại sự thích thú cho người thưởng thức. Nhưng ăn bánh trung thu như thế nào cho phù hợp và tốt cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Nhân bánh Trung thu thường có hương vị đặc trưng, có mỡ nên có độ béo ngậy và vị rất ngọt, do đó bánh cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng từ đường và chất béo. Vậy nên, đối với những người đang mắc bệnh béo phì hay tiểu đường thì sử dụng nhiều bánh trung thu sẽ gây hại đến sức khỏe.

 

Cẩn trọng khi ăn bánh Trung thu để bảo đảm sức khỏe - Ảnh 1.

Bánh trung thu thường chứa rất nhiều đường và chất béo

 Ths.Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm giáo dục truyền thông dinh dưỡng, viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170g sẽ cung cấp vào cơ thể gần 600 kcal, đối với 1 bánh nướng nhân thập cẩm 180g thì chứa hơn 700 kcal. Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2 - 3 bát cơm, ngoài ra, đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh nên gây tăng đường huyết nhanh".

Bác sĩ Tiến cũng cho biết nếu ăn quá nhiều bánh Trung thu, trẻ thừa cân, béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra đái tháo đường. Với trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, khiến trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng. Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật nên nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị hỏng gây ra ngộ độc. Ngoài ra, nhiều loại bánh trung thu hiện nay thường có nhân là trứng muối với hàm lượng cholesterol cực kỳ cao, nếu những người bị tiểu đường tiêu thụ nhiều sẽ khiến bệnh chuyển biến xấu.

Bác sĩ cũng chia sẻ thêm, do có nhiều chất béo, đạm động vật nên bánh khó khó tiêu. Tốt nhất, đối với trẻ nhỏ nên ăn 1/8 miếng bánh sau mỗi bữa ăn. Đối với trẻ em bị béo phì, nên cân bằng khẩu phần ăn để đảm bảo giới hạn chất béo và dinh dưỡng dung nạp vào cơ thể. Nếu ăn một nửa chiếc bánh thì phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng.

Ngoài ra, Ths.Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến nhận định mức độ an toàn thực phẩm của bánh trung thu không đảm bảo bởi trong bánh có rất nhiều loại thực phẩm, gia vị và phụ gia thực phẩm. Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại. Nếu không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Trước những nguy cơ trên, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đưa ra lời khuyên khi chọn lựa bánh Trung thu cho gia đình như lựa chọn sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ tên của cơ sở sản xuất, địa chỉ, hướng dẫn sử dụng và bảo quản, thành phần bánh, ngày sản xuất và thời hạn sử dụng. Người tiêu dùng cũng nên lựa chọn bánh không bị dập nát, bao bì không bị rách, không có màu sắc khác thường hay có mùi lạ.

Đối với trẻ em: Bánh Trung thu thường khó tiêu do có nhiều chất béo, chất đạm động vật, chỉ nên cho trẻ ăn một miếng (1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.

Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng: Nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát bệnh. Với những người mắc các bệnh như viêm túi mật, sỏi mật, viêm dạ dày, cao huyết áp, cholesterol cao, bệnh nhân tim mạch… không nên ăn bánh trung thu

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục