Cẩn trọng khi dùng thuốc súc họng chứa i-ốt

P.V, icon
10:47 ngày 17/07/2019

VTV.vn - Các dung dịch súc họng có chứa i-ốt là loại thuốc được nhiều người sử dụng.Tuy nhiên, họ vẫn có thể gặp các tác dụng không mong muốn.

Hình minh họa (Ảnh: dynamicdds.com).

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thuốc súc họng là loại thuốc được bào chế dạng dung dịch hoặc dạng bột có thể pha để sử dụng khi người bệnh có những biểu hiện viêm nhiễm vùng họng hoặc sau khi làm phẫu thuật vùng mũi họng như: nhổ răng, cắt amidan, lấy các khối u vùng mũi họng... Thuốc súc họng có rất nhiều loại với các tác dụng như: chống viêm, sát khuẩn, cân bằng pH vùng họng... Một trong số đó là thuốc súc họng có chứa i-ốt.

Khi bị viêm nhiễm vùng họng, các dung dịch súc họng có chứa i-ốt là loại thuốc được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều người tự ý sử dụng thuốc súc họng theo thói quen hoặc hỏi người khác mà không có đơn và hướng dẫn của thầy thuốc. Điều này có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Dùng thuốc súc họng chứa i-ốt như thế nào?

Khi bạn đau họng dẫn đến không ăn, không nói hoặc không nuốt được, có thể sử dụng povidone iodine 2% súc miệng. Đây là một loại thuốc sát trùng có tác dụng ngăn ngừa và điều trị các vết loét nhỏ và nhiễm trùng khoang miệng, có thể diệt các sinh vật nhạy cảm như vi khuẩn, nấm, virus xâm nhập vào họng.

Thuốc súc họng này cũng thường được dùng để làm giảm các triệu chứng của viêm họng cấp như: đau họng, rát họng, khô họng, cay họng; loét họng do virus, do chấn thương, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; vệ sinh vùng họng miệng trong những bệnh lý như trào ngược, nấm họng, viêm tuyến nước bọt, khoang miệng...

Cách sử dụng thuốc: Ngậm một lượng thuốc trong khoang miệng tạo độ rung cho lưỡi và má, ngửa cổ lên tạo tiếng kêu khi súc để dung dịch sát khuẩn có thể được láng đều trong họng miệng và khoang miệng. Có thể nghiêng mặt về hai bên trái - phải, lúc này dịch sẽ lách qua các kẽ răng làm sạch khoang miệng, lợi. Ngâm họng trong dung dịch sát khuẩn 5 phút rồi nhổ ra ngoài. Có thể lặp đi lặp lại động tác này 5 lần mỗi khi thực hiện súc họng. Mỗi ngày súc họng 3 lần.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng được loại thuốc súc họng chứa i-ốt. Không dùng hoặc nên tránh trong các trường hợp:

- Trẻ em dưới 6 tuổi.

- Những người mẫn cảm với i-ốt, polyvinylpyrrolidine hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần bào chế của dung dịch súc họng.

- Những người viêm họng nhưng lại có tiền sử bệnh lý của tuyến giáp, nhất là bướu cổ (đặc biệt là bướu cổ có nhân và viêm tuyến giáp Hashimoto).

- Nên tránh sử dụng thường xuyên thuốc súc họng chứa i-ốt cho bệnh nhân đang điều trị đồng thời với thuốc lithium (dưới 5 ngày).

Những điều cần lưu ý

- Không sử dụng thuốc súc họng chứa i-ốt quá 14 ngày, trong trường hợp cần thiết phải có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa.

- Chế phẩm này có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp, vì thế trước khi làm các xét nghiệm chức năng tuyến giáp phải thông báo cho bác sĩ khám bệnh việc sử dụng thuốc súc họng chứa i-ốt.

- I-ốt có thể hấp thụ qua niêm mạc họng và tăng nồng độ i-ốt trong máu. Đặc biệt ở bệnh nhân có suy thận, tỷ lệ hấp thu toàn thân tăng gấp 6 - 7 lần bình thường. Vì vậy, tránh dùng cho bệnh nhân suy thận.

- Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, do i-ốt tự do đi qua nhau thai và được tiết ra trong sữa mẹ. Vì thế, povidone iodine không nên sử dụng thường xuyên trong khi mang thai, trừ khi không có điều trị thay thế khác và phải có sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ sản khoa.

Một số tác dụng không mong muốn

Khi dùng thuốc súc họng có chứa i-ốt, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

- Kích ứng tại chỗ: Gây bỏng niêm mạc và phản ứng nhạy cảm tại chỗ của thuốc chứa i-ốt, biểu hiện bằng ngứa tại vùng họng và khoang miệng. Thậm chí có thể xuất hiện loét, tăng tiết nước bọt, nuốt vướng, thậm chí nuốt khó kèm theo khó thở.

- Phản ứng phản vệ: Có thể có nhưng rất hiếm, tuy nhiên phản ứng phản vệ cũng đã được ghi lại và báo cáo trong y văn.

- Iod dư thừa: Có thể tạo ra bướu cổ và suy giáp hoặc cường giáp. Những tác dụng này thường chỉ phát hiện ở những bệnh nhân sử dụng thuốc súc họng chứa i-ốt kéo dài trên 14 ngày.

Ngoài ra, các tác dụng khác được cảnh báo là nhiễm toan chuyển hóa gây hôn mê và suy thận cấp. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường trong quá trình dùng thuốc súc họng có chứa i-ốt, bạn cần ngừng ngay dùng thuốc và thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị để được xử trí thích hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục