Cẩn trọng với bệnh viêm não Nhật Bản

Mai Lê, icon
04:46 ngày 22/12/2020

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 5 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B tại các huyện Cư Kuin, Ea Kar, Ea H’leo, M’Drắk và Krông Bông.

Gần đây nhất là trường hợp bé trai 5 tuổi, dân tộc Êđê, trú tại xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Người nhà thấy bé có biểu hiện nôn ói nhiều liền đưa bé đi khám tại phòng khám tư nhân và dùng thuốc nhưng không đỡ.

Sau đó, bé sốt cao, nôn ói liên tục, được đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ chỉ định nhập viện, lấy mẫu dịch não tủy gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy: bé dương tính với viêm não Nhật Bản B. Hiện, bé đang được điều trị tích cực, bệnh tiên lượng nặng.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, với tỷ lệ tử vong rất cao hoặc có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn. Bệnh do virus gây ra, lây truyền từ một số loài động vật như chim, lợn... sang người do muỗi đốt truyền virus. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã, mê sảng hoặc li bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật…

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk: Bệnh viên não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vaccine phòng bệnh. Khi bệnh nhân mắc bệnh, chủ yếu là điều trị các triệu chứng. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu sốt cao liên tục hoặc có các dấu hiệu như nôn, rối loạn ý thức... thì cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế bởi việc nhập viện muộn hay sớm sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế tỉ lệ tử vong và tỉ lệ di chứng khi mắc viêm não Nhật Bản.

Đối với viêm não Nhật Bản, biện pháp phòng bệnh luôn được đề cao trong cộng đồng. Mỗi người dân cần phải có ý thức phòng bệnh, cần tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay... Thường xuyên vệ sinh môi trường, khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa; Thả cá có khả năng ăn bọ gậy vào các chum, vại, lu đựng nước; Vệ sinh chuồng trại gia súc, gia cầm sạch sẽ để hạn chế muỗi, nên để chuồng trại xa nhà. Không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc để phòng muỗi đốt. Đặc biệt, nên tiêm phòng vaccine để phòng bệnh.

Cho đến nay, tiêm chủng vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh, vì vậy, nên cho trẻ tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Hiện, vaccine ngừa viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn miễn phí cho trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả phòng bệnh, trẻ cần tiêm vaccine đủ 3 liều. Mũi 1 lúc 1 tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 7 - 14 ngày. Mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, riêng tại các khu vực phát hiện bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, ngành y tế đã tiến hành điều tra muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản B, tuyên truyền người dân tăng cường vệ sinh môi trường, chuồng trại gia súc, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có bệnh nhân mắc bệnh, trong và ngoài nhà, chuồng gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, ngành y tế còn tiến hành tiêm vét vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ tại buôn Cư Knao, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục