Cảnh báo ngộ độc nấm vào mùa Xuân

Thủy Nguyễn, icon
03:04 ngày 15/02/2017

VTV.vn - Mỗi khi đến mùa Xuân, các bác sĩ rất lo lắng bởi những ca ngộ độc nấm mọc hoang trong rừng gia tăng, khi người dân không phân biệt được nấm độc đã hái về ăn.

Ảnh: BSCC

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết vào mùa Xuân, khi mưa xuống, các loại nấm rừng mọc lên rất nhiều. Nấm độc mọc xen lẫn với nấm thường, vì thế để phòng chống ngộ độc, người dân tuyệt đối không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ.

Các vụ ngộ độc nấm thường xảy ra vào thời gian sau Tết, người dân thấy nấm mọc trông hấp dẫn nên hái về ăn. Theo số liệu của Trung tâm Chống độc cấp cứu hàng năm, tình trạng ngộ độc nấm thường hay xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La… Các vụ ngộ độc hay xảy ra ở cả gia đình.

Bác sĩ Nguyên cho biết, nấm là loại thực phẩm nhiều bà con vẫn hay sử dụng trong các bữa ăn, tuy nhiên cần phải phân biệt rõ nấm được nuôi trồng và nấm mọc hoang dại. Số lượng nấm độc không nhiều, nhưng ăn các loại nấm độc mọc trong rừng vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.

Trong đó có những loại nấm độc như: Nấm ô tán trắng phiến xanh; nấm độc tán trắng; nấm mực nhỏ mọc cụm; nấm độc trắng hình nón… "Nhiều loại nấm độc trông rất đẹp, ngon, có màu trắng, nhìn giống nấm bình thường. Một trong những loại nấm độc nhất hiện nay không có màu sắc sặc sỡ, nên thường gây nhầm lẫn là nấm ăn được cho bà con miền núi" - bác sĩ Nguyên cho biết.

Sau khi ăn những loại nấm độc thường có biểu hiện ngộ độc muộn, khoảng 6 tiếng sau ăn mới có những biểu hiện như đau bụng, đi ngoài, buồn nôn. Có những loại nấm độc, người dân ăn xong có biểu hiện ngộ độc, nhưng sau đó có một giai đoạn bệnh tự đỡ, khiến nhiều người lầm tưởng là đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên, đây là giai đoạn bệnh âm ỉ, bệnh chuyển sang giai đoạn âm thầm, sau đó sẽ gây tổn thương gan, suy gan, hôn mê, co giật, suy thận, chảy máu… đến lúc này tỷ lệ tử vong là rất cao.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc cũng cho biết, hiện nay nhiều người vẫn hiểu rằng nấm độc là loại có màu sắc sặc sỡ, điều này không đúng. Trung tâm Chống độc đã cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm trắng, ăn ngọt, nhưng lại là loại nấm độc.

Bác sĩ cũng khuyên, khi đưa người nhà bị ngộ độc nấm đi viện, mang cả loại nấm đã ăn để các bác sĩ biết chính xác loại nấm đã ăn là loại nào, có chất độc như thế nào, để có phương hướng điều trị chính xác và nhanh nhất.

Bác sĩ Nguyên cũng cho biết, những ca ngộ độc nấm nặng chi phí điều trị rất cao, trong khi tỉ lệ tử vong lên đến 50%, cho dù người bệnh chỉ ăn 1 - 2 tán nấm.

Các bác sĩ khuyên, sau khi ăn nấm mà có biểu hiện bị ngộ độc, nếu người bệnh vẫn còn tỉnh táo nên cho uống thật nhiều nước để gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục