Cảnh báo nhiều trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt

Linh Chi, icon
03:02 ngày 09/09/2021

VTV.vn - Thời gian gần đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tục tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt khá nghiêm trọng.

Trường hợp trẻ bị thanh sắt đâm vào ngực. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tai nạn "rình rập" mọi lúc, mọi nơi

Mới đây, một bé trai 13 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng bị thanh sắt đâm vào ngực trong lúc chơi đùa cùng bạn. Ngay sau tai nạn, gia đình đã đưa trẻ đến trạm y tế gần nhà để sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tại đây, trẻ được tiến hành cấp cứu nhanh, hội chẩn nhanh các chuyên gia và được phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm nhằm loại bỏ dị vật và xử lý vết thương.

Trong tháng 8/2021, có nhiều trẻ được đưa đến cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Nguyên nhân được xác định do trẻ vô ý uống chai dầu dùng để thắp hương, trong lúc gia đình không để ý; có trường hợp trẻ bị vết thương cẳng chân sau ngã do chơi đá bóng, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết nặng.

Các trường hợp trên sau khi được sơ cứu nhanh bởi các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Cấp cứu, bệnh nhi được áp dụng những kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại như thở máy, theo dõi huyết áp xâm lấn, vận mạch, X-quang, siêu âm tim phổi tại giường.

Cảnh báo nhiều trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt - Ảnh 1.

Một trường hợp được theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Theo TS.BS Trần Văn Cương, Trưởng Khoa Cấp cứu - Phó Giám đốc bệnh viện, tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ thường xảy đến bất ngờ, khó lường trước và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể các em. Ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Mặc dù nhiều biện pháp phòng chống tai nạn cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì tai nạn sinh hoạt vẫn chưa giảm.

Làm thế nào để phòng tránh tai nạn sinh hoạt ở trẻ em

Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn sinh hoạt ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.

Để phòng tránh tai nạn cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ:

- Các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi… gần khu vực trẻ chơi.

- Các đồ vật có nguy cơ cao, các chất độc như thuốc trừ sâu, dầu hỏa… cần để ngoài tầm với của trẻ

- Luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn.

- Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc, cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của người lớn.

- Giáo dục kiến thức và trang bị kỹ năng sơ cứu cần thiết đối với trẻ lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục