Cảnh giác dịch tay chân miệng bùng phát trong tháng 9

Minh Đức, icon
06:00 ngày 30/08/2019

VTV.vn - Các chuyên gia y tế lo lắng dịch tay chân miệng sẽ gia tăng mạnh vào tháng 9, 10, 11 do học sinh tập trung vào năm học mới, vấn đề vệ sinh một số nơi chưa đảm bảo...

Lo lắng dịch tay chân miệng bùng phát mùa tựu trường

Cứ đến dịp tựu trường, nỗi lo bùng phát dịch chân tay miệng lại thường trực ở nhiều địa phương. Dịch có khả năng lây lan cao do điều kiện thời tiết thuận lợi, đối tượng thường là trẻ nhỏ do sức đề kháng yếu, dễ lây lan trong môi trường đông người.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, thời gian tới, dịch tay chân miệng có thể gia tăng mạnh và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát diện rộng, đặc biệt là trong các tháng 9, 10, 11. Lý do là bởi trẻ em, học sinh tập trung vào năm học mới. Vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường học tập, vui chơi tại cơ sở giáo dục chưa được đảm bảo. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng là bệnh đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc... Bệnh có thể lây lan dễ dàng qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Được biết, mùa tựu trường năm 2018, cả nước đã có trên 53.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, có trên 25.800 trường hợp nhập viện có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam.

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Cách phòng chống bệnh tay chân miệng

Đảm bảo vệ sinh là cách tốt nhất chống lại bệnh tay chân miệng. Phụ huynh hay giáo viên cần chú ý rửa tay thường xuyên cho trẻ nhỏ sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus này. Ngoài ra, cần giáo dục, hướng dẫn trẻ tự giác vệ sinh cá nhân sạch sẽ như rửa tay bằng nước với xà phòng, phải luôn rửa tay sạch sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi ăn, và sau khi ra nơi công cộng. Cũng cần dạy trẻ không cho tay hoặc các đồ vật khác vào miệng hoặc gần miệng.

Gia đình và nhà trường cần thường xuyên khử trùng những khu vực chung có nguy cơ mầm bệnh. Có thói quen vệ sinh các bề mặt chung trước tiên bằng xà phòng và nước, sau đó dùng dung dịch thuốc tẩy pha loãng và nước. Đặc biệt, nên khử trùng đồ chơi, núm vú giả và các đồ vật khác có thể bị nhiễm virus.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh cần theo dõi cẩn thận và đưa đến cơ sở y tế để chẩn đoán điều trị. Căn bệnh này biểu hiện chủ yếu trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng, niêm mạc lưỡi, má, vòng họng. Ban đầu, trẻ sẽ nổi các bọng nước nhỏ. Sau đó, các bóng nước vỡ ra, chảy dịch trong; Nếu dịch đục có thể có kèm nhiễm trùng. Đôi khi trẻ có kèm nóng sốt, có các triệu chứng tương tự nhiễm siêu vi đường hô hấp như ho, chảy mũi, hắt hơi hay trên đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, nôn ói và tiêu lỏng. Ở giai đoạn này, bé có thể được bác sĩ cho điều trị tại nhà, uống thuốc hạ sốt, uống đủ nước, chăm sóc các bóng nước và hướng dẫn theo dõi những dấu hiệu chuyển độ.

Khi trẻ bị bệnh nên tránh tiếp xúc với người khác khi các nốt mụn và nốt ban điển hình nổi lên. Điều này có thể giúp tránh lây bệnh cho người khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục