Chủ động phòng bệnh dại

Lê Kim, icon
05:49 ngày 07/04/2023

VTV.vn - Trong thời gian gần đây, tại Cà Mau, việc xuất hiện nhiều ổ dịch dại trên đàn chó và cắn người khiến nguy cơ xuất hiện dịch dại trên người là rất lớn.

Hình minh họa.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, trong năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 15 ổ dại trên đàn chó và có hơn 5.800 trường hợp bị động vật cắn phải điều trị dự phòng dại. Những tháng đầu năm 2023, Cà Mau ghi nhận 7 ổ dịch dại trên đàn chó, cụ thể: trên địa bàn huyện Đầm Dơi ghi nhận 3, U Minh 1, Thới Bình 2 và Cái Nước 1.

Theo ngành Y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết xước của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại chỉ có thể phòng được bằng việc tiêm vaccine, khi đã lên cơn dại thì không có thuốc chữa và dẫn đến tử vong 100%.

Bác sĩ Lâm Hữu Đoàn, Trung tâm Y tế U Minh cho biết: Những tháng đầu năm, trên địa bàn huyện U Minh ghi nhận một 1 dịch dại trên đàn chó tại xã Khánh Hội. Trung tâm Y tế đã phối hợp với Chi cục Thú y xử lý đúng theo quy định. Hiện nay, hầu hết người dân hiểu được sự nguy hiểm của bệnh dại, tuy nhiên việc nuôi chó giữ nhà vốn là tập quán lâu đời, chủ yếu dưới hình thức thả rông, chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ. Việc tiêm vaccine cho chó mèo cũng chưa cao. Toàn huyện có trên 7.000 hộ nuôi chó mèo với 15.294 con chó, mèo nhưng tỷ lệ tiêm phòng đến hiện nay chỉ đạt 3.250 con, đạt 21%...,

Để chủ động phòng bệnh dại, Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện tăng cường quản lý vật nuôi trong cộng động. Khuyến khích người dân tiêm ngừa dại để phòng bệnh cho bản thân. Đồng thời vận động người dân nên tiêm ngừa cho đàn chó. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng chống dại trong cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu đúng và nâng cao ý thức trong việc phòng bệnh dại trên người và vật nuôi...

Bác sĩ Nguyễn Quan Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết: Việc xuất hiện nhiều ổ dịch dại trên đàn chó và cắn người đang tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện dịch dại trên người là rất lớn. Ngành Y tế yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại. Phối hợp với Chi cục Thú y tăng cường hệ thống giám sát bệnh dại trên đàn chó; trao đổi thông tin về các trường hợp nghi ngờ trên động vật và người; điều tra xác minh nguyên nhân ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Tăng cường công tác truyền thông cho người dân quản lý, đăng ký, tiêm ngừa trên đàn chó, mèo...

Các trung tâm y tế huyện, thành phố cần đẩy mạnh và tăng cường tần suất và truyền thông bằng nhiều hình thức về bệnh dại trên người và động vật. Trọng tâm là nâng cao ý thức người dân về phòng chống bệnh dại; đảm bảo xử lý vết thương đúng kỹ thuật; tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại (nếu có) đầy đủ, đúng lịch, đủ liều khi bị chó mèo cắn, cào, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam hoặc gia truyền...

Đối với các cơ sở tiêm chủng, cần thực hiện tốt công tác điều trị dự phòng bệnh dại đúng chỉ định, đúng kỹ thuật đặc biệt là tiêm huyết thanh kháng dại, nhắc nhở người dân đến tiêm đủ mũi, đúng lịch, tuyệt đối không bỏ mũi. Các điểm tiêm ngừa dại trên địa bàn khi người dân đến tiêm ngừa dại cần hỏi kỹ về tình trạng con chó, cắn bao nhiêu người (nếu chó, mèo cắn người có dấu hiệu bất thường như cắn nhiều người, báo ngay đến Trung tâm Y tế để phối hợp xử lý), bác sĩ Nguyễn Quan Phú cho biết thêm.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân khi bị chó mèo cắn, cào không "lấy nọc", không điều trị theo các biện pháp dân gian. Vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 đến 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục, không chà sát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Sau đó. cần đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt. Khi xử lý vết thương do động vật cắn người dân cần chú ý: Không băng kín, khâu kín vết thương; Không dùng thuốc nam, đắp lá vào vết thương; Không sử dụng xăng dầu, dầu hỏa lên vết thương; Không chữa bệnh dại bằng đông y hay thuốc nam.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đối với vật nuôi, cần tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không thả rông chó, mèo mà phải xích, nhốt, nếu chó ra đường phải được rọ mõm. Đối với con người, không nên đùa nghịch, trêu chọc chó mèo; Người bị chó mèo cắn phải đi tiêm ngừa sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ; Trường hợp người có nguy cơ cao với virus dại như người làm nghề giết mổ chó, người đi đến khu vực lưu hành bệnh dại cần đến cơ sở y tế, trung tâm y tế khám, tư vấn và tiêm vaccine dự phòng bệnh dại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục