Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Mỹ Hạnh, Đình Thi, icon
06:00 ngày 16/07/2022

VTV.vn - Tính từ đầu năm đến nay, Đắk Lắk ghi nhận 413 ca mắc bệnh tay chân miệng, đáng lưu ý, có lưu hành chủng EV71 gây biến chứng nặng ở trẻ mắc tay chân miệng.

Khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng như trẻ sốt cao liên tục, li bì…. nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo chu kỳ hàng năm, bệnh tay chân miệng thường bùng phát từ tháng 4 đến tháng 12. Thời điểm này đang bước vào chu kỳ của dịch nên bệnh có khả năng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực phối hợp với các địa phương và ngành giáo dục giám sát, theo dõi và phát hiện sớm những trường hợp mắc ở cộng đồng, trường mầm non, đặc biệt là ở các nhóm trẻ gia đình để tiến hành tuyên truyền cách ly kịp thời, tránh trường hợp để dịch lan rộng.

Các trung tâm y tế huyện cũng đã tổ chức tập huấn, cập nhật lại kiến thức về phòng và điều trị bệnh tay chân miệng cho đội ngũ cán bộ y tế; phối hợp với các phòng giáo dục và đào tạo tuyên truyền sâu rộng cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ... về việc rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh các vật dụng trong trường học.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận lưu hành chủng EV71 gây bệnh tay chân miệng. Chủng này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, nguy cơ cao dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, thời gian qua, có nhiều trẻ đã bị nhiễm COVID-19, khi mắc thêm bệnh tay chân miệng thì bệnh sẽ diễn biến phức tạp và nặng hơn. Vì thế, theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân không được chủ quan, bởi tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, chưa có vắc xin phòng ngừa.

TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh rất dễ lây. Trẻ nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng khi tiếp xúc trực tiếp dịch mũi, miệng, nước bọt, dịch từ các bọng nước và phân của người nhiễm bệnh hoặc từ những đồ vật nhiễm loại virus này như đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa…

Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng như loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng cho trẻ như viêm màng não do virus, viêm não…

"Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ: độ 1 chỉ loét miệng hoặc tổn thương da; độ 2a trẻ có biểu hiện sốt, lừ đừ, nôn; độ 2b nhóm 1 là các trường hợp sốt cao liên tục, có các triệu chứng nghi ngờ biến chứng thần kinh như giật mình nhiều, chới với; độ 2b nhóm 2 trẻ có biến chứng thần kinh; độ 3 trẻ có biến chứng tuần hoàn và độ 4 là các trường hợp rất nặng, trẻ bị suy hô hấp…" TS.BS Trần Thị Thúy Minh cho biết thêm.

Việc phòng bệnh tay chân miệng chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ. Đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ.

"Nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như trẻ sốt cao liên tục, li bì, giật mình khi ngủ, ngồi không vững, run tay chân, trẻ quấy khóc vô cớ, khóc liên tục thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời" - TS.BS Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục