Chủ động phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Minh Tâm, icon
07:30 ngày 04/09/2022

VTV.vn - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có hơn 190 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và con số này đang tiếp tục tăng lên.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Ông Đ.C.K., 90 tuổi, trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên mắc căn bệnh đái tháo đường đã 10 năm nay. Tuổi cao, cộng thêm những biến chứng của căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của ông.

Mặc dù đã rất quen với việc sử dụng thuốc điều trị hàng ngày tại nhà, nhưng trong một lần thay đổi loại thuốc và bất cẩn trong việc xác định liều lượng sử dụng, ông đã bị hạ đường huyết đột ngột phải cấp cứu. Đây là một trường hợp mắc tiểu đường lâu năm nhưng vẫn có nguy cơ gặp nhiều biến chứng trong suốt quá trình tự điều trị tại nhà.

Còn đối với ông N.C.H., 75 tuổi, trú tại xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên, có tiền sử tăng huyết áp nhưng lại không hề biết bản thân đã mắc bệnh đái tháo đường. Chỉ khi thấy người có biểu hiện hay khát nước, tiểu nhiều, có cảm giác thèm ăn đồ ngọt, ăn nhiều tinh bột, mệt mỏi, sút cân, ông đi khám mới hay mình đã mắc bệnh.

Trường hợp của ông K., ông H. chỉ là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân đang được điều trị đái tháo đường tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Minh, Trưởng Khoa Nội tiết cho biết: Bệnh đái tháo đường đang ngày càng trở nên phổ biến do thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh, điều độ của một bộ phận người dân. Hiện trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân, điều này cho thấy tỷ lệ người dân mắc bệnh lý này đang ngày càng tăng.

Bệnh đái tháo đường được chia làm 4 type, gồm đái tháo đường type 1, 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường type khác.

Hiện nay, dù nhiều người mắc bệnh đã được lập sổ quản lý ngoại trú, nhưng do người bệnh cao tuổi, mắc nhiều bệnh phối hợp, ở một mình, điều kiện chăm sóc không được tốt và sa sút trí tuệ dẫn đến việc kiểm soát bệnh rất khó khăn.

Để khắc phục và giảm thiểu các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ quản lý ngoại trú về thuốc, chế độ ăn, chế độ luyện tập. Đối với người dân chưa được chẩn đoán đái tháo đường (nhất là người trên 40 tuổi, những người tiền sử đái tháo đường thai kỳ, trong gia đình có người thân mắc bệnh) nên tầm soát định kỳ.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính và gây nhiều biến chứng, do đó người bệnh cần có thái độ bình tĩnh để xắp xếp lại sinh hoạt, chế độ ăn uống và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh. Bệnh nhân bị đái tháo đường nên sống năng động hơn, tăng vận động, tập thể dục, chơi các môn thể thao phù hợp với sức khoẻ.

Bản chất của bệnh đái tháo đường là rối loạn chuyển hoá, do đó người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý với tỷ lệ các chất dinh dưỡng đúng như phác đồ điều trị của bác sĩ. Kiêng ăn đường tự nhiên, các thức ăn quá ngọt. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia và các đồ uống có cồn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục