Chủ động phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ

Mỹ Hạnh (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
10:58 ngày 29/06/2022

VTV.vn - Thời gian gần đây, các vụ đuối nước ở trẻ em vẫn thường xuyên diễn ra. Vì vậy, phòng tránh đuối nước ở trẻ là biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Hình minh hoạ.

Thống kê hàng năm cho thấy, trong các tai nạn thương tích ở trẻ, trẻ mắc đuối nước có tỷ lệ tử vong cao hơn cả và nước ta là nước có tỷ lệ trẻ bị đuối nước hàng năm cao gấp nhiều lần ở các nước trong khu vực. Trung bình mỗi năm, có trên 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao.

Tại Đắk Lắk, theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 12 vụ đuối nước, khiến 24 trẻ em tử vong. Trong đó, có 7 vụ đuối nước tập thể và 5 vụ đuối nước lẻ. Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra ở khu vực nông thôn.

Đơn cử vào ngày 4/6, một vụ tai nạn đuối nước khiến 3 em học sinh tử vong, ở huyện Ea H’leo. Nạn nhân là các em M.C.T., N.T.B.H. và T.T.K.A., học lớp 6 trường THCS Chu Văn An.

Sau khi dự lễ tổng kết ở trường về, các em rủ nhau ra suối Ót (thuộc địa phận thôn 5, xã Ea H’leo) để chơi. Trong lúc vui chơi, 3 em không may trượt chân xuống vùng nước sâu và tử vong.

Trước đó, vào chiều ngày 7/5, tại địa bàn xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm, 3 trẻ là anh em ruột trong một gia đình chết đuối dưới ao.

Sự việc xảy ra khi cha con anh N.V.T đi cắt cỏ về, N. và H. ở lại đi câu cá tại ao của hộ dân cách nhà khoảng 500 m, còn A. phụ ba đẩy xe cỏ về nhà rồi đến chỗ câu cá cùng các anh. Đến 19h, chờ mãi không thấy các con về ăn cơm, vợ chồng anh T. đã nhờ người đi tìm. Đến 20h cùng ngày thì phát hiện các em đã tử vong dưới ao.

Hay như vụ đuối nước xảy ra ngày 27/3, tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) khiến 3 chị em ruột là C.T.Q. M (9 tuổi), C.T.B.T (7 tuổi) và C.Đ.M (5 tuổi) cùng tử vong tại hồ Ea Dhung Tiêng thuộc buôn Ea Dho, xã Cư Pơng.

Có thể nói, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà đã xảy ra rất nhiều vụ đuối nước thương tâm. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là do tỉnh Đắk Lắk có hệ thống sông, suối, kênh rạch, ao hồ dày đặc, nhất là ở các vùng nông thôn nhưng các em chưa thực sự có ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm ao, hồ, sông, suối; bản thân chưa có kỹ năng bơi lội.

Ngoài ra, có nhiều ao, hồ được người dân thuê xe múc để dự trữ nước phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp vào mùa khô, nhưng không được rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo. Trong khi đó, đời sống người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cha mẹ mải mưu sinh không có thời gian quản lý, chăm sóc con cái; thời tiết ở Tây Nguyên nắng nóng, trẻ em ở nhà không có ai trông coi nên rủ nhau ra các ao hồ, sông, suối chơi, bắt ốc, tắm nhưng không có kỹ năng bơi lội… dẫn đến đuối nước thương tâm.

Trước thực trạng các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em liên tục xảy ra thời gian gần đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cha mẹ và trẻ em...

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Vận động, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục