Chườm mát đúng cách cho trẻ khi sốt cao

Minh Đức, icon
09:30 ngày 18/12/2018

VTV.vn - Nhiều phụ huynh có thói quen sử dụng nước lạnh, đá lạnh để chườm cho trẻ khi sốt cao, cách làm mát này không đúng và rất có hại cho cơ thể trẻ nhỏ.

Trong những ngày lạnh giá này, sức đề kháng của trẻ nhỏ rất yếu nên rất dễ nhiễm bệnh dẫn đến sốt cao. Nhiều phụ huynh khi chăm sóc con ốm thường có thói quen chườm lạnh để hạ nhiệt độ cho trẻ, tuy nhiên các chuyên gia y tế đều lưu ý rằng, cách giảm sốt bằng chườm lạnh là sai cách và không nên áp dụng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là vào mùa đông.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho hay, về cơ bản có 2 cách hạ sốt cho trẻ, là sử dụng thuốc và phương pháp làm mát từ bên ngoài cơ thể. Thuốc được khuyến cáo chỉ sử dụng khi trẻ sốt trên 38 độ C, sử dụng bằng đường uống hoặc đặt thuốc ở hậu môn. Đối với trẻ sốt nhẹ từ 37,5 - 38,5 độ C, phụ huynh không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay mà có thể làm mát từ bên ngoài cơ thể.

"Nhiều phụ huynh lựa chọn làm mát cơ thể trẻ bằng cách chườm lạnh, sử dụng đá lạnh chườm không chỉ gây bỏng lạnh mà còn có nguy cơ gây nên tình trạng suy hô hấp. Nếu trẻ sốt cao do nhiễm khuẩn, viêm phổi thì việc chườm lạnh còn nguy hiểm hơn" - bác sĩ cũng cho hay, việc chườm lạnh sẽ khiến các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng thu lại khiến nhiệt không thoát ra được, càng khiến trẻ sốt cao hơn.

Bác sĩ cũng cảnh báo về việc phụ huynh lạm dụng miếng dán hạ sốt mà không cho trẻ uống thuốc. Nhiều trẻ vì không được chữa trị kịp thời nên dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như khó thở, tím tái, co giật. Việc dán miếng hạ sốt hay chườm mát chỉ giải quyết được vấn đề ngọn, không thể khiến bệnh của trẻ biến mất. Ngoài ra, da trẻ nhỏ rất mẫn cảm nên dễ bị viêm da khi dán miếng dán hạ sốt quá lâu.

Khi trẻ nhỏ bị sốt cao, nên để trẻ nằm ở phòng thoáng, tránh gió lùa. Phụ huynh nên chườm ấm hạ sốt cho trẻ thay vì chườm lạnh, sử dụng khăn nhỏ có khả năng thấm nước tốt. Pha nước nóng vào nước lạnh với tỷ lệ 1:2. Khi chườm ấm nên để trẻ nằm ngửa, cởi bớt đồ, dùng khăn nhúng nước ấm và lau toàn thân cho trẻ, chủ yếu tại các vị trí như trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân.

Phụ huynh có thể đặt khăn trên trán, 2 bên hõm nách và 2 bên bẹn của trẻ. Khi nước ở trong chậu hết ấm thì thay chậu nước khác hoặc cho thêm nước nóng, kiểm tra lại nhiệt độ của nước và lau người tiếp cho trẻ. Đo lại thân nhiệt của trẻ sau mỗi 15 - 30 phút chườm để kiểm tra sự thay đổi của nhiệt độ. Dừng chườm cho trẻ khi nhiệt độ < 37,5°C. Sau khi chườm ấm thì lau khô người và mặc lại quần áo mỏng cho trẻ. Đặc biệt, khi trẻ bị sốt cần cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước.

Phụ huynh dự phòng sốt cao, co giật ở trẻ bằng cách theo dõi tình trạng sốt, chườm ấm hạ sốt kịp thời và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ đã có tiền sử sốt cao co giật thì cần sử dụng các thuốc dự phòng co giật theo chỉ định của bác sĩ đã hướng dẫn. Phụ huynh cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi khám để tìm nguyên nhân sốt và điều trị bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục