COVID-19 làm gián đoạn việc chăm sóc trẻ em ung thư

Nguyễn Mai, icon
09:13 ngày 05/03/2021

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 đã tác động "rõ rệt" đến việc chăm sóc trẻ em mắc ung thư trên toàn cầu, khi số bệnh nhi ung thư phải dừng điều trị hoàn toàn tăng đáng kể.

Bệnh nhi ung thư không được tiếp cận y tế và khám bệnh thường xuyên trong thời kỳ đại dịch vì thiếu hụt nhân viên y tế và lo sợ nguy cơ lây nhiễm

Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng sức ép lên các bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Những phòng cấp cứu đặc biệt và các giường bệnh đều được ưu tiên cho bệnh nhân COVID-19, khiến cho cơ hội điều trị của các bệnh nhân mắc bệnh khác như ung thư và ghép tạng trở nên mong manh hơn.

Báo cáo đánh giá toàn cầu về tác động của COVID-19, đăng trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health, cho thấy: Việc chăm sóc bệnh nhi ung thư đã bị gián đoạn ở 78% số bệnh viện trên thế giới. Theo khảo sát, có 43% số bệnh viện báo cáo chẩn đoán được ít số ca ung thư hơn dự kiến, trong khi 34% báo cáo số bệnh nhi dừng điều trị đã tăng lên. Đáng lo ngại nhất là 7% số bệnh viện tham gia khảo sát cho biết đã phải đóng cửa hoàn toàn các đơn vị chăm sóc bệnh nhi ung thư trong một số giai đoạn của đại dịch. Phần lớn các bệnh viện này (87%) nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC).

Ông Daniel Moreira, Giám đốc Bệnh viện Nghiên cứu trẻ em St Jude (Mỹ) cho biết các bệnh viện ở LMIC đã đứng trước sức ép từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, do nguồn lực và khả năng tiếp cận hạn chế trong việc chăm sóc trẻ em bị ung thư. Ông Moreira nhận định các kết quả khảo sát phản ánh năng lực của các hệ thống chăm sóc sức khỏe khác nhau trên thế giới.

Trong hơn 200 bệnh viện tham gia khảo sát đến từ 79 nước, có 79% báo cáo số ca phẫu thuật cho bệnh nhi ung thư giảm. Hơn một nửa số bệnh viện lưu ý tình trạng thiếu hụt nguồn cung máu và 57% báo cáo thiếu thuốc hỗ trợ điều trị hóa học. Cũng theo khảo sát, đại dịch còn làm hao tổn các tài nguyên như ngân quỹ và giường bệnh của các cơ sở y tế.

Trong một bài báo bình luận về khảo sát nói trên, bà Soad Fuentes-Alabi tại Trung tâm Y tế Từ thiện Ayudame a Vivir ở El Salvador, cho biết: Nghiên cứu chỉ ra tình trạng khó khăn mà các bệnh nhi ung thư tại các nước kém phát triển đang phải đối mặt. Bà nhấn mạnh vấn đề thường gặp liên quan đến chẩn đoán muộn, cũng như dừng các biện pháp điều trị hoặc can thiệp đã trở nên nghiêm trọng hơn trong đại dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục