Cứu sống bệnh nhân bị huyết khối động mạch phổi nặng sau nhiễm COVID-19

P.V, icon
06:08 ngày 02/09/2022

VTV.vn - Hiện tại ở trong nước, số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, cũng gia tăng bệnh huyết khối động mạch phổi hậu COVID-19.

Bệnh nhân bị thuyên tắc phổi được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.T.A. (73 tuổi, trú tại tỉnh Hậu Giang) thường xuyên than khó thở, mệt nhiều sau khi nhiễm COVID-19 cách đây 3 tháng.

Gia đình đã đưa bệnh nhân tới bệnh viện địa phương khám và được chẩn đoán thuyên tắc phổi có sốc. Một thời gian sau đó, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục diễn tiến khó thở, suy hô hấp nên được đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng đe dọa tính mạng với các biểu hiện: Khó thở, tím tái, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp.

Bệnh nhân nhanh chóng được thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng. Kết quả siêu âm tim phát hiện thất phải giãn lớn kèm tăng áp lực động mạch phổi nặng, kết quả chụp CT ngực có thuốc cản quang cho thấy hình ảnh tắc động mạch phổi 2 bên.

Bệnh nhân được hội chẩn cấp cứu và nhanh chóng chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để theo dõi và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường toàn thân.

Sau 2 giờ dùng thuốc, tình trạng lâm sàng bệnh nhân dần cải thiện, da hồng hào, đỡ khó thở, huyết áp ổn định, nhịp tim chậm lại. Sau 1 ngày điều trị, cục huyết khối trong lòng động mạch phổi tan đáng kể.

Hiện, tình trạng bệnh nhân ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Trương Hoàng Tâm, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Thuyên tắc động mạch phổi là một bệnh thường gặp, là nguyên nhân đứng thứ 2 gây đột tử do tim. Trong gia đoạn đại dịch COVID-19, xuất hiện nhiều trường hợp thuyên tắc động mạch phổi hơn trước đây liên quan đến tình trạng tăng đông máu do nhiễm COVID-19.

Thuyên tắc phổi nhóm nguy cơ cao liên quan đến tỷ lệ từ vong tăng cao, vì vậy đòi hỏi phải nhận biết và điều trị sớm. Tiêu sợi huyết vẫn là thuốc nền tảng trong điều trị thuyên tắc phổi nguy cơ cao và đã được chứng minh hiệu quả.

Tuy vậy, bác sĩ Tâm cũng nhấn mạnh: Khả năng chẩn đoán và điều trị phụ thuộc vào trang bị, kinh nghiệm của từng cơ sở y tế. Khi thuyên tắc động mạch phổi cấp mức độ nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 60% với diễn biến thường rất nhanh trong 1 đến 2 giờ đầu. Do vậy, chúng ta phải luôn nghĩ tới nó thì mới kịp đưa ra chiến lược chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

Bệnh thuyên tắc động mạch phổi có nhiều biểu hiện mức độ khác nhau. Với mức độ nặng có thể gây sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp; biểu hiện nhẹ xuất hiện khó thở mức độ vừa, không gây hiện tượng sốc. Thậm chí có những trường hợp bị bệnh âm thầm không có biểu hiện, mãn tính lâu ngày không phát hiện ra.

Để phòng tránh bệnh, người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe sau nhiễm COVID-19 để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục