Cứu sống bệnh nhân suy thận cấp ngừng tuần hoàn do kali máu tăng cao

Linh Chi, icon
09:00 ngày 15/05/2020

VTV.vn - Khoa Nội thân tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hòa do Kali tăng cao trên nền suy thận cấp/đái tháo đường.

Hình minh họa.

Bệnh nhân V.T.T.D. (sinh năm 1960, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tiếp xúc chậm, phù nhẹ hai chi dưới.

Theo người nhà bệnh nhân, ba ngày trước khi vào viện, bệnh nhân kêu mệt, tiểu ít, ăn kém. Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện gần nhà khám được chẩn đoán: Kali máu tăng cao, suy thận cấp và chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tâm thần phân liệt đang được điều trị ngoại trú. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuyển hoá nặng và suy thận cấp của bệnh nhân, do không kiểm soát được các loại thuốc uống cũng như số lượng thuốc uống.

Ngay lập tức các bác sĩ Khoa Nội thận tiết niệu đã hội chẩn cùng Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc. Bệnh nhân có chỉ định lọc máu cấp cứu để điều chỉnh rối loạn thăng bằng toan kiềm và kiểm soát kali máu.

Trong lúc chuẩn bị bệnh nhân và dụng cụ đặt catheter lọc máu cấp cứu thì bệnh nhân xuất hiện trạng thái ngừng tuần hoàn, các bác sĩ vừa tiến hành lọc máu vừa cấp cứu cho bệnh nhân. Sau 3 giờ vừa lọc máu vừa cấp cứu, bệnh nhân dần hồi tỉnh.

Bệnh nhân được điều trị tích cực và theo dõi đến ngày thứ 10 thì hoàn toàn bình phục, các chỉ số trong giới hạn bình thường và được ra viện.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Khoa Nội thận tiết niệu cho biết: Tăng kali máu là 1 trong những biến chứng nguy hiểm của suy thận cấp gây trạng thái ngừng tim đột ngột và gây tử vong cho bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời.

Kali là một chất điện giải vô cùng quan trọng của cơ thể với vai trò không thể thiếu trong các hoạt động thần kinh-cơ, đặc biệt đối với tim mạch. Thừa kali luôn là một mối đe dọa tiềm tàng cho tính mạng bệnh nhân, do kali máu tăng thường gây ra triệu chứng loạn nhịp tim, ngừng tim đột ngột đe doạ tính mạng bệnh nhân.

Thận là cơ quan chính chịu trách nhiệm cho sự điều hòa kali. Có thể nói, khi chức năng thận còn tốt, lượng kali máu không bao giờ vượt quá ngưỡng 5 mmol/l . Vì thế, khi thận bị suy, cần phải kiểm soát hạn chế tăng kali máu và tuân thủ các phương pháp điều trị thay thế thận suy như thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng hoặc là ghép thận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục