Cứu trẻ sơ sinh có toàn bộ nội tạng... nằm ngoài ổ bụng

P.V, icon
07:45 ngày 19/12/2019

VTV.vn - Bé N.T. N, con sản phụ P.T.C, 38 tuổi là con thứ 3 trong gia đình, được chẩn đoán sàng lọc trước sinh bị dị tật khe hở thành bụng khiến toàn bộ nội tạng nằm ngoài ổ bụng.

Đây là một dị dạng bẩm sinh với tần suất 1/2.000 ở trẻ sinh ra. Tại thời điểm 38 tuần, cân nặng của bé là 2.800 gram.

Xác định đây là trường hợp khẩn cấp, sau khi được mổ lấy ra từ bụng mẹ và hồi sức, bé được đưa ngay lên bàn mổ đã được chuẩn bị sẵn.

Phương pháp mổ trước đây là đưa cả khối ruột lớn vào bụng rồi đóng ngay làm toàn bộ ruột chèn ép vào cơ hô hấp, cơ hoành có thể khiến bệnh nhi không thở được. Bệnh nhi phải nằm thở máy lâu rất dễ nhiễm trùng, hô hấp kém kéo đến công tác hồi sức cực kỳ khó khăn. Không những vậy, sau 2 năm bệnh nhi phải mổ lại để kéo cơ bụng lên, nguyên nhân hầu hết những trường hợp tử vong là do nhiễm trùng, nên phải có túi SILo.

Với phương pháp mới hiện nay, bệnh nhi được tiến hành treo thành bụng để ruột "rơi" vào ổ bụng từ từ. Do toàn bộ ruột thoát ra ngoài khá nhiều, các bác sĩ đánh giá không thể đưa toàn bộ ruột vào ổ bụng 1 lần, nên kíp mổ chọn cách phẫu thuật 2 lần. Ca mổ kéo dài 1 giờ đồng hồ. Sau mổ, bệnh nhi được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch.

Theo bác sĩ Cao Nguyên Trường, Khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, khe hở thành bụng là dị tật bẩm sinh hiếm gặp, có thể phát hiện ở tuần thứ 18 thai kỳ. Bệnh thường xuất hiện ở các thai phụ uống một số loại thuốc đặc thù trong thời kỳ mang thai. Thời điểm mổ tốt nhất là 4 - 7h sau khi sinh và cần có sự phối hợp của các bác sĩ đa ngành gồm siêu âm, sản khoa, hồi sức sơ sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục