Đã tiêm phòng vaccine HPV có cần khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ?

Linh Chi, icon
10:59 ngày 28/11/2018

VTV.vn - Theo số liệu thống kê, hiện nay tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam đang ngày càng có xu hướng gia tăng theo từng năm và có sự trẻ hóa về tuổi mắc bệnh.

Hình minh họa.

Trên thực tế, tất cả phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung khi bắt đầu có quan hệ tình dục và bị nhiễm virus. Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không rõ ràng, vì thế, sàng lọc sớm là cách tốt nhất để phát hiện và điều trị kịp thời.

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh đường sinh dục ở phụ nữ rất phổ biến và gây nguy cơ tử vong cao ở phụ nữ. Nguyên nhân do virus HPV gây ra, đây là một loại virus được lây lan ở người trong quá trình quan hệ tình dục.

Bệnh có nguy cơ cao hay gặp ở những người có quan hệ tình dục ở độ tuổi sớm, có nhiều bạn tình khác nhau, những người sử dụng thuốc lá, nhiễm trùng đường sinh dục hay có tiền sử bị nhiễm trùng đường sinh dục lây qua đường tình dục...

Các triệu chứng của bệnh thường không xảy ra một cách đột ngột mà chúng âm thầm phát triển qua các giai đoạn từ nhiễm HPV, đến những dấu hiệu bất thường ở cổ tử cung người phụ nữ, các tổn thương tiền ung thư rồi tới ung thư. Đặc biệt là ở đối với giai đoạn tiền ung thư của bệnh, hầu như không có một triệu chứng gì. Bởi vậy mà những người mắc bệnh hầu như không nhận biết được là mình đang mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa.

Khi bệnh ở giai đoạn muộn, người bệnh có biểu hiện như: ra huyết trắng có mùi hôi kèm theo máu, cháy máu khi quan hệ tình dục hoặc làm việc nặng mặc dù không trong chu kỳ kinh.

Hiện tại, đã có vaccine phòng HPV - giúp giảm nguy cơ ung thư khoảng trên 90% và các tổn thương tiền ung thư trên 60%. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, vaccine chỉ có hiệu quả khi bạn chưa bị lây HPV hoặc chưa có quan hệ tình dục nên được khuyến cáo tiêm cho trẻ em gái hoặc phụ nữ lứa tuổi từ 9 - 26 tuổi và có thời gian bảo vệ kéo dài từ 4 - 6 năm. Sau thời gian này, chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định vaccine còn hiệu lực bảo vệ.

Do đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, cho dù bạn đã tiêm vaccine HPV thì vẫn cần sàng lọc phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm vì những lý do sau đây:

- Vaccine không thể giúp cơ thể chống lại tất cả các loại HPV.

- Ngoài HPV có nhiều nguyên nhân khác dẫn tới ung thư cổ cung.

Chính vì vậy, mặc dù đã được tiêm phòng vaccine HPV thì bạn vẫn phải cần thiết đi sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ cung. Phụ nữ nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung từ 6 tháng đến 12 tháng/lần là việc cần thiết. Đối với những trường hợp bệnh đặc biệt có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ hẹn khám sớm hơn.

Sàng lọc bệnh là một điều cần thiết và rất quan trọng vì ung thư cổ tử cung là một căn bệnh có thể chữa khỏi được nếu như phát hiện ở giai đoạn sớm.

Lưu ý, thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt. Không đặt thuốc âm đạo trong vòng 48 giờ trước khi lấy xét nghiệm và không giao hợp tối hôm trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục