Đẩy mạnh kế hoạch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi

Minh Đức, icon
10:41 ngày 14/11/2018

VTV.vn - 95% trẻ 1 - 5 tuổi sống trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi - rubella trên quy mô xã, phường, thị trấn.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2018. Theo đó, mục đích cụ thể chiến dịch là trên 95% trẻ sống trên địa bàn TP Hà nội được tiêm bổ sung 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi - rubella trên quy mô xã, phường, thị trấn, đồng thời tiêm chủng đảm bảo chất lượng và an toàn theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đối tượng tiêm chủng là toàn bộ trẻ từ 1 - 5 tuổi sống trên địa bàn TP (mốc sinh từ ngày 1/1/2013 đến 30/9/2017), ước tính khoảng 680.000 trẻ. Những trẻ không thuộc đối tượng phải tiêm trong đợt này bao gồm trẻ đã tiêm vaccine sởi hoặc sởi - rubella (MR) hoặc sởi - quai bị - rubella (MMR) hoặc vaccine thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch. Thời gian tiêm chủng từ ngày 26/11 đến ngày 25/12/2018 tại 584 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã.

Chiến dịch sẽ được chia là 2 đợt: Đợt 1 tổ chức tiêm tại trường học đóng trên địa bàn từ ngày 26/11 đến 2/12/2018; Đợt 2 tổ chức tiêm tại các trạm y tế cho trẻ không đi học sống trên địa bàn và tiêm vét cho trẻ đi học chưa được tiêm (do tạm miễn hoãn trong đợt 1) từ ngày 3/12 đến 9/12/2018.

Sở Y tế cũng cho biết: đối với các trường mầm non tư nhân, nhóm trông giữ trẻ có ít hơn 50 trẻ thì tùy tình hình thực tế (nhân lực, trang thiết bị…) của địa phương mà các đơn vị có thể tổ chức điểm tiêm cho phù hợp. Trẻ học ở trường đóng trên địa bàn nào thì sẽ được tiêm ở trạm y tế trên địa bàn đó. Sau mỗi buổi tiêm chủng, cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn phối hợp cùng nhà trường, cộng tác viên y tế, dân số tổ chức rà soát ngay những trẻ chưa tiêm trong chiến dịch do ốm kéo dài, vắng nhà lâu ngày hoặc có tạm hoãn, chống chỉ định để tiêm vét ngay vào đợt 2 tại trạm y tế và vào các ngày tiêm vét. Thời gian tiêm vét từ ngày 10/12 đến ngày 25/12/2018.

Sở Y tế Hà Nội cũng quy định tổ chức các điểm tiêm chủng theo đúng Nghị định số 104; điểm tiêm chủng bố trí tại trạm y tế và trường học phải đảm bảo một chiều, bố trí bàn đón tiếp, bàn khám phân loại, bàn tiêm, khu vực chờ và khu vực theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm chủng.

Ngoài ra, do chiến dịch trùng với ngày tiêm chủng thường xuyên nên các điểm tiêm chủng phải bố trí hợp lý để tiêm chủng các loại vaccine khác trong chương trình và thực hiện đúng các quy định về hoạt động tiêm chủng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh nhầm lẫn. Đối với điểm tiêm chủng tại trạm cần tối thiểu 6 người trong đó có ít nhất 3 cán bộ y tế có chứng nhận và còn thời hạn sử dụng đã tham gia tập huấn thực hành tiêm chủng an toàn, những người còn lại tham gia công tác tiếp đón, vào sổ, vào hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Đối với điểm tiêm chủng tại trường học, ngoài cán bộ y tế theo quy định cần huy động thêm Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm từng lớp, cán bộ y tế nhà trường hỗ trợ… Điểm tiêm phải đầy đủ danh sách trẻ cần tiêm theo lớp, phiếu khám phân loại, trang thiết bị phòng chống sốc. Sau mỗi buổi tiêm chủng chiến dịch cần rà soát lại danh sách đối tượng đến tiêm vét để tránh bỏ sót. Ngoài ra, rà soát những đối tượng không đến tiêm chủng, xác định nguyên nhân để mời tiêm vào buổi tiêm chủng thường xuyên của 2 tuần sau chiến dịch.

Các điểm tiêm phải thực hiện an toàn tiêm chủng theo đúng quy định. Tại trạm y tế phải lập phương án phòng chống phản ứng phản vệ trước khi tổ chức buổi tiêm chủng. Tại các điểm tiêm nên chuẩn bị sẵn nước đường hoặc sữa cho trẻ uống khi trẻ đến tiêm vào cuối buổi sáng hay cuối buổi chiều. Thu gom hộp an toàn chứa bơm kim tiêm đã sử dụng tại các điểm tiêm để hủy đúng quy định để không ảnh hưởng đến môi trường. Các trạm y tế thực hiện theo dõi, báo cáo, xử trí các trường hợp phản ứng bất thường sau tiêm chủng theo đúng quy định.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho hay: bên cạnh việc triển khai các hoạt động chuyên môn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn bộ cộng đồng biết lợi ích của chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella; thời gian, địa điểm và đối tượng cần tiêm nhằm đạt mục tiêu đã đề. Hoạt động truyền thông cần đa dạng các hình thức, nội dung cụ thể các thông điệp về bệnh sởi và cách phòng chống của từng địa phương. Cụ thể, các đơn vị sẽ truyền thông 1 tuần trước ngày bắt đầu chiến dịch và trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát trên loa truyền thanh xã, phường tối thiểu 2 lần/ngày (trước chiến dịch) và 4 lần/ngày (trong chiến dịch), loa di động, băng rôn, khẩu hiệu treo tại điểm tiêm chủng, truyền thông trực tiếp khi gửi giấy mời tại các hộ gia đình, tại lớp học…

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu: để chủ động phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần rà soát tất cả trẻ trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm phòng theo quy định; tiếp tục duy trì biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm soát và phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch, tăng cường tuyên truyền để người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục