Đề phòng bệnh cúm mùa trong thời tiết giao mùa Đông - Xuân

Minh Đức, icon
05:30 ngày 27/02/2019

VTV.vn - Phần lớn người mắc bệnh cúm mùa đều có thể tự khỏi nhưng căn bệnh này vẫn có thể gây biến chứng như sốt cao gây co giật, viêm phổi...

Thời tiết giao mùa Đông - Xuân như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho căn bệnh cúm mùa phát triển, căn bệnh do virus gây ra, lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc và dùng chung vật dụng với người bệnh hoặc tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng và môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Căn bệnh này được xem là lành tính, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều tự khỏi. Tuy nhiên, căn bệnh này lại có tốc độ lây lan nhanh, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trẻ nhỏ, người lớn tuổi do hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc chưa hoàn thiện.

Chia sẻ thêm về căn bệnh cúm mùa, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, căn bệnh này rất thường gặp và hầu như thời điểm giao mùa đều tạo thành dịch. Nhất là thời điểm diễn ra mùa Lễ hội như hiện nay, những nơi tụ tập đông người rất dễ lây lan bệnh cúm mùa. Những người khỏe mạnh có thể mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, nước mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm tác nhân gây bệnh. Do đó, khi chăm sóc người bị cúm mùa, cần tránh dùng chung dụng cụ với bệnh nhân như cốc chén, bát đũa, thau chậu...

Giai đoạn đầu bệnh cúm mùa thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, lạnh run, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn không ngon. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 – 41 độ C, sốt thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm, không tự ý sử dụng thuốc.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, các bệnh nhân mắc cúm nên điều trị tại nhà để không lây lan dịch bệnh ra những nơi công cộng hoặc những nơi đông người cũng như tránh lây chéo trong bệnh viện. Khi người bệnh có những biểu hiện bất thường như sốt cao, co giật, khó thở... thì cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Bệnh nhân mắc cúm có chỉ định nhập viện khi bị cúm trên nền viêm phổi, suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính. Biến chứng hay gặp nhất của cúm là sốt quá cao gây co giật, viêm phổi có thể do virut cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác có trong hầu họng của bệnh nhân.

Ngoài ra, điều trị cúm cần lưu ý tới vấn đề sốt và chăm sóc đề phòng biến chứng. Người bệnh cần dùng thuốc hạ sốt 6 tiếng/lần, vệ sinh sạch sẽ miệng, mũi, họng và nếu trẻ em cần dùng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi. Đối với trẻ khi bị ốm và sốt thì nhu cầu dinh dưỡng phải tăng lên từ 10 – 30% để có thể phục hồi lại cơ thể. Biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin phòng cúm. Vắc xin cúm mỗi năm tiêm một lần, có hiệu quả bảo vệ phòng cúm trong một năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục