Hà Nội sẽ hạ mức nguy cơ nếu không có thêm ca mắc COVID-19 mới

P.V, icon
12:02 ngày 21/04/2020

VTV.vn - Đây là nội dung được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến về tình hình và công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, nêu các giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 22/4, sau ngày này, Hà Nội đã nêu kiến nghị đến Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia và Thủ tướng với nội dung: Nếu không có ca bệnh phát sinh, không còn ổ dịch thì triển khai theo hướng nới lỏng. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục triển khai Nghị quyết 42 với đối tượng được xác định rõ, như hộ gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo điều kiện cho phép; tiếp tục xử lý các ổ dịch trên địa bàn, chủ động chuẩn bị phương án chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nếu dịch tiếp tục xảy ra.

Liên quan đến việc cho học sinh đi học, ông Ngô Văn Quý cho biết: "Nếu tình hình tốt lên, có thể nửa đầu tháng 5 sẽ cho học sinh đi học. Chúng ta đã có điều chỉnh kế hoạch năm học, khi điều kiện cần và đủ chúng ta cần triển khai cho học sinh đi học. Nội dung này thành phố sẽ có Chỉ thị sau".

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Từ tình hình này, đến ngày 22/4, nếu không phát hiện trường hợp ca nhiễm mới nào, Hà Nội có thể sẽ hạ mức nguy cơ. Thành phố sẽ có chỉ thị mới, song sẽ không gỡ hết lệnh cách ly xã hội, đặc biệt là nơi có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín... Không thể chủ quan mà vẫn phải làm tốt công tác phòng, chống dịch, bởi việc ủ bệnh, lây nhiễm có thể kéo dài hơn 30 ngày…

Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các cửa hàng ăn uống, massage, karaoke; khuyến cáo người dân không đi tập thể dục ở ngoài trời, thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để công cuộc phòng, chống dịch đạt hiệu quả… Sở Y tế cùng các quận, huyện rà soát toàn bộ công tác mua sắm trang thiết bị y tế thời gian vừa qua, đồng thời, tiếp tục triển khai mua sắm những trang thiết bị thiết yếu. Giao Sở Công thương chủ trì, thành lập đoàn liên ngành phối hợp Sở Tài chính, Công an TP. Hà Nội, rà soát, kiểm tra các đơn vị, nhất là các bệnh viện; các đơn vị doanh nghiệp y tế cung cấp… đặc biệt, kiểm tra về đơn giá, giám sát, đảm bảo mua đúng, mua đủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục