Hà Nội tăng cường đào tạo cấp cứu người bị nạn trước khi đến bệnh viện

Minh Đức, icon
11:31 ngày 05/12/2017

VTV.vn - Công tác cấp cứu trước viện rất được xem trọng, bởi người bệnh có qua được hiểm nghèo hay không, di chứng nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào công tác cấp cứu trước viện.

Kỹ năng cấp cứu trước viện tại Việt Nam chưa thực sự phổ biến và chưa được nhiều người dân biết đến rộng rãi. Nhằm nâng cao kỹ năng cấp cứu trước viện và tại bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức khóa đào tạo cấp cứu trước viện do các chuyên gia đến từ Pháp giảng dạy.

Theo đó, khóa học có sự tham gia của các học viên Trung tâm cấp cứu 115 và các bác sĩ đang công tác tại các đơn vị y trong ngành y tế Hà Nội. Khóa học đưa ra các phác đồ chăm sóc; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức cấp cứu đa chấn thương, cấp cứu chấn thương vùng đầu, chấn thương ở trẻ em, chấn thương cột sống…

Mục tiêu của khóa học nhằm nâng cao năng lực tay nghề, kiến thức mới cho các bác sĩ trong quá trình thực hiện cấp cứu trước viện cho bệnh nhân đạt hiệu quả.

Theo các chuyên gia y tế, công tác cấp cứu trước viện rất được xem trọng, bởi người bệnh có được cấp cứu kịp thời để giữ sự sống được hay không, để lại ít hay nhiều di chứng hoặc giảm chi phí điều trị phụ thuộc rất nhiều vào công tác cấp cứu trước viện. Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng được xử lý tốt trước khi đến bệnh viện đã qua được cơn hiểm nghèo, để lại ít di chứng về sau, đặc biệt là trong những trường tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hay tai nạn lao động.

Theo bác sĩ Đặng Thành Khẩn - Phó GĐ TT Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, hoạt động sơ cấp cứu hay những trợ giúp y tế ban đầu ngay tại hiện trường khi người bệnh bị chấn thương trước khi tiến hành điều trị y khoa có vai trò rất quan trọng. Nếu nạn nhân bị thương mất máu, sốc và trụy mạch... thì cần được sơ cứu kịp thời như cầm máu, nâng huyết áp, ổn định tình trạng người bệnh rồi mới chuyển đến bệnh viện, như vậy thì người bị nạn sẽ gặp ít di chứng và nguy hiểm hơn.

Cũng theo bác sĩ, khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho nạn nhân, để đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, đờm, dãi... phải dùng tay móc ra. Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), vẫn phải yêu cầu họ nằm nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 10 phút đến 15 phút hoặc lâu hơn, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra. Nếu nạn nhân bị chảy máu, phải đè tay, khăn hay bông lên vết thương để cầm máu tại chỗ. Nếu nạn nhân gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy, sử dụng nẹp, máng treo cố định chi gãy rồi mới đưa đi bệnh viện.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục