Hè đến: Đề phòng ngạt nước ở trẻ

Tuấn Bảo, icon
06:29 ngày 07/05/2018

VTV.vn - Đây là tai nạn khá thường gặp ở trẻ em sống ở vùng sông nước, ao hồ, biển,… và cả những nơi có nhiều hồ tắm, hồ bơi.

Hình minh họa

Nguyên nhân ngạt nước chủ yếu ở trẻ nhỏ là do té ngã xuống ao hồ hoặc đâm đầu vào các lu, khạp, xô,… đựng nước. Nước vào phổi làm thay đổi surfactan gây xẹp phổi, phù phổi, suy hô hấp, thiếu oxy não dẫn đến phù não và tăng áp lực nội sọ. Tiên lượng phụ thuộc rất nhiều vào thời gian chìm dưới nước và sơ cứu bước đầu tại hiện trường.

Ths Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết: Ngạt nước là nguyên nhân tử vong thứ ba của lứa tuổi từ 1 đến 14 tuổi ở các nước đang phát triển. Ngạt nước hay gặp nhất ở lứa tuổi mới biết đi và trẻ 2 – 3 tuổi, trẻ nam thường gặp hơn trẻ nữ, tỷ lệ gặp cao nhất vào các tháng mùa hè.

Tại Việt Nam, Viện chiến lược và chính sách Y tế cho biết tử vong do ngạt nước chiếm tỉ lệ 59% các tai nạn ở trẻ em. Điều quan trọng nhất, tất cả các trường hợp ngạt nước cần đưa đến cơ sở y tế.

Xử trí khi trẻ ngạt nước

Tại hiện trường

- Cần khẩn trương, hợp lý, kiên trì và phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người tham gia sơ cứu nạn nhân cũng như các nhóm cấp cứu từ tuyến địa phương đến tuyến cao hơn.

- Ngưng thở: nhanh chóng thổi ngạt ngay khi vớt lên khỏi mặt nước. - Ngưng thở ngưng tim: thổi ngạt, ấn tim ngay tại hiện trường.

- Hồi sức cấp cứu liên tục (trên đường vận chuyển) khi nạn nhân thở lại

- Khi cấp cứu, không nên lôi trẻ quá xa và không nên xốc nước vì làm như thế sẽ mất thời gian quí báu để hồi sức trẻ. Phải hồi sức nạn nhân ngay khi lên bờ.

- Khi trẻ uống nhiều nước, nước sẽ vào phổi và bụng nhiều đồng thời gây hạ thân nhiệt nhiều. Không nên hơ lửa vì làm thế sẽ gây phỏng, có thể gây dãn mạch, hạ huyết áp. Tim nhanh và ngưng tim.

Trên xe cấp cứu

- Tiếp tục hồi sức cho tới khi bệnh nhân thở lại và tim đập lại .

- Thở oxy qua canula hoặc đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở.

- Thiết lập đường truyền tĩnh mạch để bơm các thuốc cấp cứu.

- Mắc máy theo dõi nhịp tim.

- Đặt ống thông dạ dày dẫn lưu nước tránh trào ngược vào đường hô hấp.

- Kiểm tra sinh hiệu, độ bão hòa oxy thường xuyên.

- Liên hệ với khoa cấp cứu tuyến cao hơn chuẩn bị tiếp đoán nạn nhân.

Tại bệnh viện

Tùy thuộc vào thời gian chìm trong nước và hồi sức ban đầu tại hiện trường

- Hỗ trợ hô hấp: nếu bệnh nhân tiếp tục ngưng thở cần cho thở bằng máy, nếu tự thở được thì cho thở bằng NCPAP hoặc oxy canulla.

- Chống sốc, chống phù não, chống co giật.

- Điều chỉnh rối loạn điện giải, thăng bằng kiềm toan.

- Kháng sinh.

- Giữ ấm.

- Dinh dưỡng.

Phòng ngừa

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các trường hợp ngạt nước do té vào ao, sông gần nhà, các dụng cụ chứa nước trong nhà như lu khạp, xô nước, … chiếm khoảng 20% và đa số ở trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, cần phải giáo dục hướng dẫn các bậc cha mẹ cách bảo quản tốt các dụng cụ chứa nước trong nhà.

Ngoài ra, cần ngăn cấm trẻ tắm sông, ao, hồ, biển, … hoặc những nơi không người quản lý trông nom trẻ. Hơn nữa, cần quản lý chặt chẽ trẻ em tắm tại các hồ bơi, các cứu hộ viên nên làm việc tích cực và phải được hướng dẫn cách sơ cứu ngạt nước cho cả người lớn và trẻ em. Huấn luyện thực tập bơi lội cho học sinh. Tại trường học, cần có kế hoạch giáo dục và huấn luyện thực tập bơi lội cho học sinh, huấn luyện thực tập bơi lội cho học sinh.

Việc tổ chức các đội, nhóm cấp cứu lưu động là rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta khi trình độ dân trí chưa cao, người dân còn quá nhiều sai lầm trong sơ cứu ngạt nước dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho trẻ và gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục