Hoại tử chỏm xương đùi - Căn bệnh nguy hiểm, diễn biến âm thầm

Văn Thành, icon
04:22 ngày 24/09/2020

VTV.vn - Nghiện rượu và hút thuốc là hai thói quen khiến đàn ông đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có bệnh hoại tử chỏm xương đùi mà ít người biết.

Hình minh họa (Ảnh: pathologies.lexmedicus.com.au).

Theo chia sẻ của TS.BS Phạm Chí Lăng, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quốc tế City, hoại tử chỏm xương đùi là một loại bệnh lý ở khớp hàng, nguyên nhân của nó là do chỏm xương đùi bình thường có những mạch máu đến để nuôi dưỡng cho chỏm xương đùi đó. Vì một lý do nào đó, những mạch máu này bị tắc làm cho máu không lưu thông chỏm xương đùi nữa và lâu ngày thì chỏm xương đùi bắt đầu bị hư dần đi gọi là bị hoại tử chỏm xương đùi.

Trong nhóm người bệnh trẻ tuổi bị hoại tử chỏm xương đùi, khi được hỏi có uống rượu thường xuyên hàng tuần hoặc hàng ngày không thì đa số trả lời là có. Loại rượu hay uống là rượu trắng tự nấu, rượu ngâm các loại hoa quả, củ, rễ…

Tuy nhiên, việc cai rượu ở những bệnh nhân này lại rất khó, bởi nhiều người ngay từ những ngày đầu sau mổ thay khớp háng đã xuất hiện loạn thần, rối loạn tâm thần do ngừng uống rượu, ảnh hướng rất lớn đến kết quả điều trị.

Cũng theo TS.BS Phạm Chí Lăng, việc điều trị hoại tử chỏm xương đùi phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Đối với những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân nên điều trị theo phương pháp sau:

Về mặt y khoa, bệnh hoại tử chỏm xương đùi được phân làm 4 độ là độ 1, độ 2, độ 3, độ 4. Để đơn giản, các bác sĩ gom độ 1 và độ 2 thành chung một giai đoạn nó gọi là giai đoạn nhẹ. Ở giai đoạn này bệnh nhân đi vẫn gần như bình thường hoặc đau ít thôi. Trong giai đoạn này, có thể điều trị bằng cách uống thuốc giảm đau, kháng viêm. Ngoài ra, cần giảm bớt sinh hoạt, giảm bớt hoạt động, giảm bớt lao động nặng.

Đến giai đoạn thứ 2, là độ 3 độ 4, gom lại thành 1 giai đoạn gọi là giai đoạn nặng. Ở giai đoạn này, đi đứng đã bắt đầu khó khăn, không thể đi bộ xa, không thể lao động nặng và uống thuốc giảm đau thường xuyên, chân bắt đầu ngắn so với chân không bị bệnh, người bệnh bắt đầu đi khập khiễng. Nặng hơn nữa ở giai đoạn cuối, người bệnh cần phải chống nạng mới đi được và uống thuốc giảm đau gần như hàng ngày. Trong giai đoạn này, phương pháp điều trị tốt nhất là thay khớp háng nhân tạo.

Phẫu thuật thay khớp háng là phương pháp phẫu thuật khó, đòi hỏi kỹ năng cao, phương tiện hiện đại. Không phải trường hợp đau khớp nào cũng phải phẫu thuật thay khớp. Bác sĩ phải khai thác tiền sử bệnh, xem xét các kết quả cận lâm sàng như phim chụp X-quang, các xét nghiệm khác… Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá xem phẫu thuật thay khớp háng có phải là phương pháp tốt nhất giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động của bệnh nhân hay không?

Hoại tử chỏm xương đùi nếu điều trị sớm khi giai đoạn chỏm chưa bị sụp lún, có thể tránh cho bệnh nhân nguy cơ phải thay khớp háng. Như vậy, chẩn đoán sớm là yếu tố quan trọng.

Nếu bạn có biểu hiện đau khớp háng một hay hai bên, đặc biệt khi ngồi xổm, dạng khép khớp háng, xoay trong khớp háng, đau khi đi nhiều hay đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi, hoặc có biểu hiện đau khớp gối dai dẳng mà chưa tìm ra nguyên nhân tổn thương tại khớp gối thì lời khuyên của bác sĩ là nên đi khám sớm để có phương pháp điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, giải pháp dự phòng hoại tử chỏm xương đùi hữu hiệu và có ý nghĩa nhất là cánh mày râu nên bỏ thuốc lá, tránh dùng rượu mạnh quá nhiều và kết hợp tập luyện thể thao thường xuyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục