Hoại tử tay do rắn cắn, cảnh báo mùa rắn phát triển

Ánh Kim, icon
02:34 ngày 03/06/2020

VTV.vn - Mùa Hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển. Đây cũng là thời điểm số bệnh nhân bị rắn cắn thường có xu hướng tăng.

Hình ảnh bàn tay người bệnh bị hoại tử do rắn hổ mang cắn

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết liên tiếp tiếp nhận các trường hợp bị rắn độc cắn phải nhập viện điều trị. Trong đó, nhiều bệnh nhân trong tình trạng bị hoại tử vết thương, liệt tay chân, thậm chí liệt hô hấp.

Hoại tử tay do rắn cắn, cảnh báo mùa rắn phát triển - Ảnh 1.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Trường hợp nặng nhất đang điều trị tại đây là bệnh nhân nhập viện ngày 19/05, sau khi bị rắn hổ mang cắn, trong tình trạng sưng nề, hoại tử bàn tay phải. Vết thương đau nhiều.

Người nhà bệnh nhân cho biết: "Sau bị rắn cắn thì vẫn thấy bình thường. Sau khoảng 10 phút thì chỗ vết thương cắn tím dần, lúc đưa đến trạm xá là đã hôn mê rồi". 

Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đơn vị này đang điều trị cho 4 bệnh nhân nặng; trong đó 2 người bị rắn cạp nia cắn, 1 người bị rắn hổ mang cắn và 1 người bị rắn lục cắn. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng như sưng nề, hoại tử vùng bị cắn, rối loạn đông máu, liệt toàn thân.

Hoại tử tay do rắn cắn, cảnh báo mùa rắn phát triển - Ảnh 2.

Bệnh nhân bị rắn lục cắn, tay trái vẫn sưng nề

Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 64 loài rắn độc. Dù đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng nhiều người vẫn bị cắn và sơ cứu sai cách. Không ít trường hợp tới bệnh viện điều trị muộn, để lại hậu quả nặng nề.

TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: "Các loại rắn hổ mang, rắn hổ chúa, rắn lục khi cắn người có thể gây sưng nề, hoại tử, gây tổn thương tàn phế, cắt cụt chi, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều loại rắn khác cắn có thể khiến bệnh nhân bị liệt toàn thân nếu không có thuốc giải độc". 

Hoại tử tay do rắn cắn, cảnh báo mùa rắn phát triển - Ảnh 3.

Hình ảnh bệnh nhân bị rắn lục cắn

Hiện nay, các bệnh viện đã có thuốc giải độc với hầu hết các loại rắn. Vì vậy, khi bị rắn cắn, người dân không nên cố hút nọc độc tại vùng vết thương; sử dụng các loại thuốc dân gian hoặc chữa bằng mẹo. Việc làm này không những không hiệu quả mà còn làm mất thời gian vàng điều trị của bệnh nhân. Việc cần làm là đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị, ngăn chặn không để nọc độc phát tán.

TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: "Khi bị rắn cắn, phải bình tĩnh, hạn chế vận động. Càng vận động nhiều thì độc càng vào người nhanh. Nếu vết thương do rắn cắn gây liệt thì phải ép chặt khu vực bị cắn,lấy vải rộng quấn chặt chân tay chỗ bị rắn cắn rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế". 

Để tránh bị rắn cắn,người dân cần tránh các khu vực thường có nhiều rắn như bụi cỏ, chuồng gà, khe, hốc; đi ban đêm cần có đèn chiếu sáng; khi lao động cần sử dụng ủng, giày cao cổ và quần dài; không trực tiếp nằm ngủ trên nền đất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục