Huyết áp cao 10 năm không điều trị, người đàn ông suýt vỡ túi phình động mạch chủ bụng

Lê Thạch, icon
05:15 ngày 18/06/2020

VTV.vn - Gần đây, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì các bệnh lý tim mạch nguy hiểm kèm theo tăng huyết áp.

Bệnh nhân N.V.X (68 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) đi khám chuyên khoa tiêu hóa vì cảm thấy đau bụng quanh rốn. Qua thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị phình hình thoi động mạch chủ bụng dưới thận.

ThS.BS Khổng Tiến Bình, Trưởng Khoa Nội, Can thiệp Tim mạch - Hô hấp cho biết: Bệnh nhân được chẩn đoán phình động mạch khi có sự phình khu trú động mạch với đường kính ngang lớn hơn 1,5 lần kích thước động mạch bình thường.

Điều đáng nói, bệnh nhân không tin mình bị tăng huyết áp bởi ở nhà, bệnh nhân có đo huyết áp nhưng không phát hiện được cơn tăng huyết áp. Ngay khi nhập viện, chỉ số huyết áp đo được trung bình sau 3 lần của bệnh nhân là 150/90mmHg và được xác định bị tăng huyết áp độ II.

Bên cạnh bệnh phình động mạch chủ bụng, khi siêu âm tim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn động mạch chủ ngực - một hậu quả nữa do căn bệnh tăng huyết áp của bệnh nhân.

Tuy chưa đến mức phải can thiệp cấp cứu nhưng nếu bệnh nhân không kiểm soát huyết áp thì động mạch chủ ngực cũng có thể giãn to hơn làm hở van động mạch chủ ngực hoặc phình động mạch chủ ngực. ThS.BS Khổng Tiến Bình cho biết thêm: Lóc tách động mạch chủ ngực là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với lóc tách động mạch chủ type A, tỷ lệ tử vong tăng dần 1% sau mỗi giờ trong 48 giờ đầu, số còn lại sẽ phải bước vào cuộc phẫu thuật cấp cứu cưa xương ức mở ngực và thay đoạn động mạch chủ

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.V.Q (55 tuổi, trú tại Hải Phòng) nhập viện do đau ngực và đã được khám, chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. Bệnh nhân có tiền sử những bệnh lý tim mạch nặng, đa bệnh lý: sỏi thận, cột sống, gout; huyết áp cao.

Được biết, 10 năm nay, huyết áp của bệnh nhân cao liên tục nhưng sử dụng thuốc không thường xuyên dẫn đến việc điều trị không được hiệu quả. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có nhiều bệnh lý nền đi kèm như rối loạn chuyển hóa liên quan đến ăn uống và sinh hoạt.

Bệnh nhân được theo dõi và kiểm tra toàn bộ hệ cơ quan trong cơ thể, trong đó có mạch vành là mạch máu nuôi tim, kết quả cho thấy: Bệnh nhân có tổn thương hẹp 60 - 70% 2/3 nhánh động mạch vành.

Theo ThS.BS Khổng Tiến Bình, tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng lại thường ít triệu chứng thể hiện, khiến cho nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác. Nhưng những biến chứng của tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong.

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ.

Cụ thể, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân). Cần hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào, tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày; Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.

Đặc biệt, theo lời khuyên của bác sĩ, người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp; Uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều; Đo huyết áp ít nhất mỗi ngày hai lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị. Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ…) trong quá trình điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục