Đừng chủ quan với bệnh tăng huyết áp

Phượng Vũ, icon
09:35 ngày 02/01/2020

VTV.vn - Tăng huyết áp được gọi là kẻ giết người thầm lặng do các triệu chứng diễn tiến âm thầm và gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và kiểm soát tốt.

Hình minh họa.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Đặc biệt, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim… làm cho hàng trăm nghìn người bị tử vong, liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viên đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Tăng huyết áp là trạng thái máu lưu thông dưới áp suất tăng cao. Máu được mang từ tim đến các bộ phận của cơ thể qua động mạch. Huyết áp được tạo ra bằng lực của máu tác động lên thành trong của mạch máu khi bơm đi khắp cơ thể. Một số biểu hiện hay gặp của bệnh tăng huyết áp là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau ngực và khó thở khi gắng sức…

Ông T.V.Đ. (55 tuổi, trú tại Cư Suê, Cư Mgar, Đắk Lắk) đang điều trị bệnh tăng huyết áp tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên chia sẻ: "Khi đang làm việc tôi thấy người mệt, khó thở, chóng mặt, nghĩ mình chưa ăn sáng nên mới như vậy, ai ngờ ngất lịm đi. Được người thân đưa vào bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị tăng huyết áp, cần phải điều trị lâu dài".

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng và gia tăng theo tuổi, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Nhiều trường hợp bệnh nhân thấy huyết áp đã ổn định và ngưng sử dụng thuốc, điều này khiến bệnh tái phát và càng nặng hơn, có thể đe dọa đến tính mạng.

Điển hình là trường hợp ông N.V.H. (trú tại Buôn Hồ, Đắk Lắk) bị bệnh tăng huyết áp đã lâu, thời gian gần đây ông thấy sức khỏe ổn định, tinh thần minh mẫn nên đã ngưng sử dụng thuốc.

Sau đó, khi đang làm việc bỗng thấy cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, khó thở, người gục xuống, người nhà thấy liền đưa ông tới bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị tai biến mạch máu não, nếu không kịp thời cấp cứu sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh. Mọi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua các lần đi khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế… Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người bị tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của bản thân và của các thành viên trong gia đình.

Bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi… duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống bia rượu, tránh các lo âu, căng thẳng… Bên cạnh đó, người bị bệnh tăng huyết áp cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục