Khám sưng khớp tay, giật mình vì mắc bệnh hiếm gặp

P.V, icon
07:16 ngày 06/12/2019

VTV.vn - Tự sờ thấy khối sưng ở đốt ngón tay hơn 1 năm nhưng không thấy đau nên không đi khám, bệnh nhân ngã ngửa khi biết mình mắc bệnh hiếm gặp.

Cách đây 1 năm, chị M.T.N. (45 tuổi, trú tại Hà Nội) thấy ngón tay 1 bàn tay trái có khối lồi, không sưng đau, không nóng đỏ. Bên cạnh đó, chị cũng tự sờ thấy khối lồi ở vùng trán nên đến Bệnh viện đa khoa Medlatec khám.

Tại đây, sau khi hỏi tiền sử, khám lâm sàng, các biểu hiện tại khối lồi, bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện các thăm dò chức năng để hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Đồng thời, chỉ định bệnh nhân làm tế bào học vị trí đốt gần ngón I tay trái. Kết quả: hình ảnh tế bào học phù hợp với chẩn đoán: bệnh nhân mắc u tế bào khổng lồ bao gân và được chuyển tới bệnh viện chuyên khoa để phẫu thuật.

Theo bác sĩ Lê Hà Phương - Chuyên khoa Ung bướu, u tế bào khổng lồ liên quan mật thiết đến vỏ bao gân, khối u này thường gặp ở bàn tay và liên quan đến khớp gian đốt ngón tay. Bề ngoài có thể dễ dàng thấy khối sùi nhô trên mặt da, kích thước nhỏ, phát triển chậm, không có dấu hiệu xâm lấn xương, điều này thể hiện trên phim X-quang.

U tế bào khổng lồ bao gân màng hoạt dịch hay có tên tiếng anh là Tenosynovial giant cell tumor thường xuất phát từ màng hoạt dịch của bao khớp, bao gân, túi hoạt dịch...

Theo thống kê tại Mỹ năm 1980 thì cứ 1 triệu người có xấp xỉ 2 người mắc căn bệnh này. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi 25 - 40, thường là tuổi 30, đôi khi gặp ở những người trung niên và trẻ em. U tế bào khổng lồ ở nữ giới cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với nam giới. Tại một số báo cáo khoa học, thì thấy u tế bào khổng lồ bao gân có khả năng tiến triển ác tính nhưng với tỷ lệ ít.

Bệnh thường được biểu hiện như một khối u nhỏ hoặc một tổ chức bất thường, những khối u này giới hạn ở 1 vùng của khớp và thường ở các khớp nhỏ như khớp bàn tay, bàn chân.

Triệu chứng ban đầu là sưng khớp không kèm đau. Khối u phát triển chậm theo thời gian, thỉnh thoảng gây đau. Khớp bị ảnh hưởng có thể trở nên không vững chắc. Do bệnh có diễn tiến chậm và không đau nhiều nên nhiều người bệnh chủ quan không đi khám.

U tế bào khổng lồ bao gân có thể nhầm lẫn với các bệnh như: kén bao hoạt dịch; u xơ; u xơ của bao gân; u cuộn mạch; u sụn màng hoạt dịch; lao khớp… Vì vậy, cần làm tế bào học để phân biệt u tế bào khổng lồ với các bệnh trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục