Kỹ thuật lọc máu liên tục cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh nguy hiểm

Thủy Nguyễn, icon
11:32 ngày 30/09/2016

VTV.vn - Nhiều bệnh nhân bị suy đa tạng, nhiễm trùng nặng, viêm tụy cấp hay nhiễm cúm AH5N1 đã được cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục.

"Ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm" là công trình nghiên cứu duy nhất trong lĩnh vực Y - dược được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2016. Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cùng các tác giả của cụm công trình đã giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng được cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại.

GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết, trong trường hợp bệnh nhân bị viêm tụy cấp, bụng bệnh nhân bị chướng, tích tụ nhiều dịch nên xảy ra tình trạng tổn thương ở phổi, tổn thương thận, tim…, cuối cùng khiến bệnh nhân trong tình trạng suy đa tạng, dẫn tới tử vong.

Kỹ thuật lọc máu liên tục cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh nguy hiểm - Ảnh 1.

GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết, khoảng 9.000 bệnh nhân đã được ứng dụng các kỹ thuật lọc máu liên tục.

Trước đây, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ, giải phóng tụy, rửa sạch các tổ chức hoại tử, sau đó bệnh nhân cần một thời gian để hồi phục. Nhưng bây giờ có thể tác động lấy các chất độc sớm hơn, làm giảm quá trình viêm tụy, các cơ quan tim, phổi, gan, thận, não được bảo vệ tốt hơn, tình trạng suy tạng sẽ nhẹ hơn và bệnh nhân mau hồi phục.

Sau khi nghiên cứu và áp dụng thành công tại Bệnh viện Bạch Mai, kỹ thuật lọc máu này đã được áp dụng tại gần 30 bệnh viện trong cả nước. Ước tính có 9.000 bệnh nhân đã được dùng kỹ thuật lọc máu liên tục trong điều trị bệnh, từ đó tỉ lệ tử vong đã giảm xuống rõ rệt.

Kỹ thuật lọc máu liên tục cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh nguy hiểm - Ảnh 2.

Tỉ lệ tử vong ở mỗi loại bệnh đã giảm xuống rõ rệt nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục.

Trao đổi với phóng viên, GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân viêm tụy cấp đã giảm từ 50% xuống còn 10 - 12%; các bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng giảm từ 70% còn 45%; các trường hợp suy gan nặng giảm còn 50%.

Đối với các trường hợp khác, tùy từng bệnh, tỉ lệ tử vong sẽ giảm khác nhau nhưng rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ được áp dụng công nghệ hiện đại này trong điều trị.

GS. TS. Nguyễn Gia Bình cũng cho biết, trước năm 2005, các bệnh nhân nhiễm cúm AH5N1 nặng gần như tử vong 100%. Sau khi nghiên cứu, các bác sĩ nhận thấy những tổn thương ở phổi nặng là do các chất độc từ virus cúm tiết ra quá nhiều. Vì vậy, khi lọc máu liên tục sẽ loại bỏ dần chất độc, tổn thương phổi sẽ nhẹ đi. Nhờ có phương pháp này, tỉ lệ tử vong ở các bệnh nhân nhiễm cúm AH5N1 nặng đã giảm xuống nhiều.

Kỹ thuật lọc máu liên tục cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh nguy hiểm - Ảnh 3.

Hiện nay, các bệnh viện nhi cũng ứng dụng kỹ thuật lọc máu liên tục cho trường hợp mắc tay chân miệng nặng, sởi hay suy đa tạng… Hay tại Viện Bỏng Quốc gia, các bác sĩ cũng ứng dụng lọc máu cho các bệnh nhân bị bỏng nặng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục