Làm gì khi gặp người ngáo đá?

P.V, icon
08:00 ngày 27/12/2019

VTV.vn - Ngáo đá là trạng thái loạn thần do ma túy đá và là một cấp cứu tâm thần. Nếu không được xử trí kịp thời sẽ đe dọa tính mạng người bệnh và những người xung quanh.

Hình minh họa.

Thời gian qua, những vụ việc đối tượng sử dụng ma túy bị ảo giác nên không kiềm chế được bản thân, gây thương vong cho người xung quanh, thậm chí là người thân ruột thịt khiến cả xã hội vô cùng lo ngại.

Từ góc độ y tế, liên quan đến tác hại của việc sử dụng ma túy đá và những nguy hiểm đối với người xung quanh khi gặp phải người ngáo đá, ThS.BS Đinh Hữu Uân, Thành viên Hiệp Hội Tâm Thần Mỹ (APA), Giám đốc Phòng khám Chuyên khoa tâm thần BS Uân cho biết: "Ma túy đá là một chất kích thích tâm thần. Khi vào cơ thể sẽ kích thích tế bào thần kinh tiết ra ồ ạt các chất dẫn truyền thần kinh, làm cho người dùng rơi vào trạng thái hưng phấn một cách tột độ. Và chính các chất dẫn truyền thần kinh tiết ra ồ ạt như vậy gây nhiễm độc thần kinh và sinh ra những hoang tưởng, ảo giác và rối loạn hành vi, tác phong".

Làm gì khi gặp người ngáo đá? - Ảnh 1.

Ma túy đá gây những tác hại gì?

Theo ThS.BS Đinh Hữu Uân, sự độc hại của ma túy đá gấp rất nhiều lần so với heroin. Khi sử dụng ma túy đá, những người này sẽ gặp phải những tác hại sau:

Ảo giác do ma túy đá: Ảo giác hay gặp là ảo thanh xui khiến, đe dọa và ra lệnh cho người ngáo. Nội dung của ảo giác thường mang màu sắc kì quái.

Hoang tưởng: là hoang tưởng bị hại hoặc hoang tưởng ghen tuông.

Rối loạn hành vi: Hành vi thường kịch tính như trèo lên cành cây, mái nhà, cột điện, biểu hiện nét mặt dữ tợn, gào thét... Khi người bệnh có hoang tưởng và ảo giác đi kèm thì rất dễ đe dọa tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Trầm cảm do ma túy đá: Sau một thời gian dài hưng phấn cao độ, người dùng ma túy đá sẽ dần bị trầm cảm vì cạn kiệt chất dẫn truyền thần kinh.

Mất trí: Sử dụng ma túy đá lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng mất trí.

Xử trí thế nào khi gặp người ngáo đá?

Gặp ở ngoài đường:

- Tránh càng xa càng tốt, tránh xa ngoài tầm sát thương (ngoài tầm ném đá).

- Không cố gắng tiếp cận người ngáo đá để lấy dụng cụ sát thương đang trong tay họ.

- Thông báo ngay cho cảnh sát 113 địa điểm và trạng thái của người ngáo đá. Ví dụ: nói rõ người ngáo đang trên mái nhà, đang trên cành cây hay đang trên cột điện để cảnh sát 113 chuẩn bị dụng cụ giải cứu.

Gặp người ngáo đá trong nhà:

- Thái độ tiếp xúc phải bình tĩnh, tránh dùng ngôn từ gây hấn chỉ trích người ngáo.

- Sử dụng ngôn ngữ phù hợp với tâm trạng của họ.

- Những ngôn ngữ dùng trong hoàn cảnh này phải phù hợp với hoang tưởng ảo giác của họ để người ngáo coi mình là bạn của họ.

- Trong lúc đang nói chuyện với người ngáo thì mắt phải nhìn xung quanh để tránh xa những dụng cụ có tính chất sát thương và nhanh chóng thoát ra khỏi nhà.

- Khi đã thoát được ra ngoài, nếu có điều kiện có thể khóa ngay người ngáo đá lại để cố định họ trong nhà, tránh gây sát thương cho người xung quanh.

- Gọi điện ngay cho cảnh sát 113.

- Liên hệ ngay với bệnh viện tâm thần gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Bị người ngáo đá khống chế

Hãy làm theo những yêu cầu của họ, trong khi thực hiện những yêu cầu của họ thì cũng nhanh chóng thoát khỏi tầm khống chế, thoát ra ngoài. Vì đặc điểm người ngáo đá rất dễ mất tập trung và lơ đãng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục