Làm thế nào để phòng ngừa rối loạn tiền đình?

Tuấn Bảo, icon
08:26 ngày 23/07/2018

VTV.vn - Rối loạn tiền đình là bệnh ngày càng phổ biến với tỉ lệ người mắc có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Bệnh không phân biệt tuổi tác và nghề nghiệp.

Hình minh họa (Ảnh: hearinghealthassoc)

Mức độ bệnh rối loạn tiền đình có thể nhẹ hoặc cũng có thể diễn biến nặng và nghiêm trọng tùy từng thể trạng của người bệnh. Là bệnh rất phổ biến gặp phải ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh dễ bị nhầm lẫn do có các biểu hiện tượng tự với bệnh thiểu năng tuần hoàn não và vì thế ít được chữa trị kịp thời.

Tiền đình là một cơ quan nằm tại vị trí phía sau hai bên ốc tai, có vai trò điều chỉnh thăng bằng tư thế và các phối hợp cử động của mắt, đầu,thân mình. Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây mất cân bằng về tư thế làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo… gây khó chịu.

Triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình

Bệnh rối loạn tiền đình có 2 thể: rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.

Rối loạn tiền đình ngoại biên xảy ra thường do nguyên nhân như: viêm tai xương chũm mạn tính, do dùng các thuốc có độc tính gây tổn thương tiền đình như thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, rượu…làm tổn thương tai trong hoặc tổn thương dây thần kinh tiền đình.

Rối loạn tiền đình ngoại biên thường có biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế. Đây là bệnh lành tính, làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt nhưng vẫn còn đi đứng được, cơn chóng mặt thường thoáng qua và xảy ra trong một thời gian ngắn. Triệu chứng chóng mặt thường xuất hiện khi thay đổi tư thế như khi người bệnh lắc đầu hoặc từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Người bệnh còn có thể có biểu hiện chóng mặt nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng được, không thể thay đổi tư thể từ nằm sang ngồi được.

Đặc biệt cơn chóng mặt thường kèm theo buồn nôn và nôn rất nhiều, ù tai, giảm thính lực. Người bệnh có thể có một số triệu chứng kèm theo như: nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp

Rối loạn tiền đình trung ương: nguyên nhân có thể là do động mạch mang máu đến nuôi não bộ bị thiểu năng bởi tình trạng xơ vữa động mạch, hạ huyết áp tư thế, thoái hóa cột sống cổ làm chèn ép các mạch máu…Những nguyên nhân này làm tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não.

Rối loạn tiền đình trung ương là bệnh lý thường gặp, người bệnh có biểu hiện đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, đôi khi người bệnh khó tập trung, mau quên, thỉnh thoảng có kèm theo nôn.

Cách phòng tránh bệnh rối loạn tiền đình

- Cần thường xuyên tập thể dục thể thao. Đặc biệt là các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy.

- Không ngồi liên tục quá lâu, nhất là ngồi máy tính.

- Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

- Không lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh.

- Uống đủ nước 2 lít/ngày, nên tập thói quen uống nước thường xuyên, tránh để quá khát mới uống nước.

- Giảm thiểu căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt...

- Hạn chế uống rượu, cà phê, thuốc lá.

Khi có những triệu chứng nghi ngờ như: chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững, nghi ngờ bệnh lý rối loạn tiền đình, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân để từ đó có hướng chữa trị thích hợp càng sớm càng tốt.

Cách xử trí khẩn cấp khi người bệnh có các triệu chứng rối loạn tiền đình

- Khi bệnh nhân đang điều khiển phương tiện thì ngưng điều khiển các phương tiện có động cơ hoặc ngưng ngay những công việc nguy hiểm.

- Có thể dùng thuốc chống nôn, thuốc chống say tàu xe hay cắt cơn.

- Loại bỏ ngay các dụng cụ để chứa chất nôn của bệnh nhân vì đây có thể là yếu tố gây kích thích làm bệnh nhân nôn tiếp.

- Cho bệnh nhân ngồi ở vị trí thoáng gió, thoáng khí, chỗ ngồi chắc chắn, tránh di chuyển vì rất dễ ngã gây chấn thương khác cho bệnh nhân.

- Sau cơn có thể cho dùng thêm ít nước đường hay khoáng chất.

- Khi cơn nặng kéo dài, nhất là những trường hợp có nguyên nhân bệnh của tai mũi họng hay não cần nhập viện để được điều trị tích cực hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục