Lào Cai tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

P.V, icon
06:06 ngày 28/10/2024

VTV.vn - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.

Điển hình là 80 trường hợp học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Lào Cai có biểu hiện rối loạn tiêu hóa và các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tối ngày 8/10/2024 tại căng tin của nhà trường gây tâm lý hoang mang, lo ngại trong nhân dân.

Thực hiện công văn của UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Để chủ động các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, Sở Y tế đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện đầy đủ các biện pháp giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn; thông tin, cảnh báo rộng rãi trong cộng đồng các mối nguy và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; Tổ chức, hỗ trợ giảng viên cho các lớp tập huấn cho thành viên Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm, cán bộ Y tế làm công tác an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến xã các kiến thức khoa học, pháp luật nhằm nâng cao năng lực quản lý cho các đối tượng này.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiểm tra đột xuất các cơ sở theo phân cấp và cơ sở tuyến huyện, xã quản lý, tập trung các địa điểm đông dân cư, khu du lịch, các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, các bệnh viện… tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, cử cán bộ tham gia phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, UBND các cấp thực hiện điều tra dịch tễ; tổ chức lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm thực hiện kiểm nghiệm hoặc gửi kiểm nghiệm phục vụ cho việc kết luận vụ việc; Tổ chức giám sát nguồn nước sinh hoạt phục vụ dịch vụ ăn uống tại các cơ sở kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thiên tai; tổ chức vệ sinh môi trường đối với những nơi phát hiện các ổ dịch đường tiêu hóa và bệnh truyền nhiễm; Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt theo quy định, trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và gửi hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định…

Đối với các bệnh viện, khi tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm cần tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho người bệnh; Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thực hiện ngay việc lấy mẫu bệnh phẩm (mẫu phân, máu, chất nôn, nước tiểu…) theo nhận định nguyên nhân gây ngộ độc để phục vụ cho quá trình điều tra, tìm nguyên nhân gây ra sự cố; Báo cáo ngay các ca bệnh cho cơ quan chuyên môn (Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế tuyến huyện) để phối hợp điều tra vụ việc.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác truyền thông, công tác tập huấn nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm cho thành viên Ban chỉ đạo huyện, xã, cán bộ y tế trên địa bàn; Tham mưu triển khai công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở theo phân cấp (dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn…); lưu ý các bếp ăn tập thể trường học và khu du lịch…

Luôn thường trực 24/24 sẵn sàng về trang thiết bị, dụng cụ và nhân lực để thực hiện điều tra các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục