Lợi ích của xét nghiệm, chẩn đoán sớm lây nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai

Mai Lê, Đình Thi (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
10:36 ngày 13/12/2022

VTV.vn - Xét nghiệm, dự phòng sớm việc chẩn đoán tình hình sức khỏe cũng như khả năng nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai rất quan trọng đối với công tác bảo vệ thế hệ tương lai.

Bệnh nhân nhiễm HIV được bác sĩ tư vấn tại Khoa Phòng, Chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk.

Nhờ triển khai Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, những năm gần đây tại tỉnh Đắk Lắk đã giảm được tình trạng trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho những người cha, người mẹ mắc HIV.

Theo số liệu thống kê của Khoa Phòng, Chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến nay, có gần 22.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và có 17 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, trong đó có 7 trường hợp được phát hiện trong khi mang thai, 10 trường hợp được phát hiện trong giai đoạn chuyển dạ sinh con. Cả 17 trẻ sinh ra đều được điều trị dự phòng ARV và các trẻ sinh ra đều không lây nhiễm HIV từ mẹ truyền sang con.

ThS.BS Chu Đức Thảo, Khoa Phòng, Chống HIV/AIDS cho biết: HIV lây truyền từ mẹ sang con qua 3 giai đoạn. Thứ nhất là giai đoạn mang thai nếu người mẹ không được uống thuốc ARV thì virus HIV sẽ lây từ mẹ sang con qua nhau thai để nuôi dưỡng con. Thứ hai, trong quá trình chuyển dạ và sinh con, thai nhi sẽ đi qua ống đẻ của bà mẹ, trong quá trình rặn đẻ và đi qua ống đẻ chật hẹp sẽ gây ra các vết xước trên da của em bé hoặc các niêm mạc em bé nuốt phải từ nước ối của người mẹ sẽ khiến em bé bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Thứ ba, sau khi sinh ra, em bé không được can thiệp gì, người mẹ cũng không biết tình trạng nhiễm HIV của mình và tiếp tục cho con bú. HIV có trong sữa mẹ, do đó, khi em bé bú sữa mẹ có thể bị lây nhiễm HIV cho trẻ.

Việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là việc làm rất cần thiết. Vì nếu 100 bà mẹ nhiễm HIV nếu không được can thiệp, với tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con trên 40%, rất nhiều trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm HIV từ mẹ. Nếu được phát hiện và can thiệp bằng thuốc ARV trước, trong và sau quá trình mang thai cũng như cho bé uống thuốc phơi nhiễm, tỷ lệ lây nhiễm chỉ còn dưới 2%. Đây là một tỷ lệ giảm vô cùng ý nghĩa. Do đó, cần phải xét nghiệm HIV ở những bà mẹ mang thai để phát hiện, tiến hành can thiệp sớm nhằm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, giúp những bà mẹ dù có nhiễm HIV vẫn sinh ra những em bé khỏe mạnh, bình thường như những em bé khác.

Cũng theo bác sĩ Thảo, tại tỉnh Đắk Lắk, trước đây có Quỹ Toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ thực hiện Chương trình Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, từ đó đến nay tỷ lệ con lây nhiễm HIV từ mẹ giảm rõ rệt, đạt được mức dưới 2%, hầu như những em bé được can thiệp đầy đủ, những bà mẹ nhiễm HIV được can thiệp đầy đủ các bước khi sinh ra em bé đều khỏe mạnh, nhất là những bà mẹ mang thai được uống thuốc ARV sớm trước khi mang thai, quá trình sinh con bình thường như những bà mẹ khác. Tỷ lệ đạt được rất khả quan, nhiều năm qua không có em bé nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ.

Bác sĩ Thảo lưu ý, tất cả những bệnh nhân đang điều trị ARV dù có đang mang thai hay không đều phải uống thuốc ARV điều trị liên tục đúng giờ, hàng ngày, còn sống là còn uống. Đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần tăng cường uống đều đặn thuốc ARV hơn các bệnh nhân khác vì không những bảo vệ mình mà còn bảo vệ con của mình và cần phải báo với bác sĩ điều trị về tình trạng mang thai của mình để bác sĩ có hướng chuyển gửi, giới thiệu cho những đơn vị có can thiệp cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV để can thiệp lúc sinh nở cũng như cho con uống thuốc dự phòng lây nhiễm HIV sau sinh.

Bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn để lấy thuốc đúng hẹn vì thuốc ARV mua ở ngoài không có, nếu có mua được chưa chắc chất lượng đã tốt. Đồng thời phải theo dõi sức khỏe thường xuyên, theo dõi thuốc có gây tác dụng phụ gì không, báo ngay với bác sĩ để có hướng thay đổi phác đồ hoặc có các can thiệp khác và phải khám thai thường xuyên để theo dõi, phát hiện các dị tật, rau tiền đạo…

Đối với phụ nữ mang thai mắc HIV cần tăng cường chế độ dinh dưỡng hơn nữa để đảm bảo hệ miễn dịch của mình và nuôi dưỡng thai nhi nên cần ăn đủ chất, đủ bữa, trong bữa ăn phải đủ các thành phần dinh dưỡng rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… càng ăn nhiều dinh dưỡng càng tốt.

Hiện nay, phần đông phụ nữ trong độ tuổi thai kỳ đã nắm rõ các kiến thức về HIV, tác hại, cách điều trị, do đó với mỗi người việc nhận biết được lợi ích từ dự phòng sớm và sinh ra đứa con khỏe mạnh đã cho thấy hiệu quả từ việc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là biện pháp hữu ích không chỉ phòng chống HIV mà còn tạo điều kiện chăm sóc và hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và con của họ có được sức khỏe, phát triển bình thường. Do đó, với những lợi ích mang lại, khi mang thai, phụ nữ nên tới các cơ sở y tế để làm xét nghiệm HIV nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục