Lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi

SK&ĐS, icon
06:00 ngày 17/04/2014

Khi trẻ mắc sởi, không phải cha mẹ nào cũng biết cách chăm sóc trẻ đúng cách và hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Không có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu cho virus sởi. Các biện pháp điều trị khác chủ yếu nhằm hỗ trợ và làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn:

- Paracetamol hoặc ibuprofen (phù hợp với lứa tuổi) có thể giúp hạ sốt và giảm đau.

- Uống nhiều nước để tránh mất nước, tốt nhất vẫn là dung dịch điện giải (oresol) với nồng độ phù hợp.

- Vệ sinh, làm sạch mắt bằng bông sạch (tăm bông).

- Đóng rèm cửa giúp làm giảm sự nhạy cảm với ánh sáng của mắt.

Bệnh sởi thường tự khỏi nhưng nếu có triệu chứng khác thường xuất hiện như: tiêu chảy, nôn, đau tai và đau họng, khó thở hoặc rối loạn ý thức… thì cần nhanh chóng tìm kiếm tư vấn y tế. Trong một vài trường hợp bệnh sởi nặng, đặc biệt nếu có biến chứng, cần đưa trẻ vào viện để điều trị.

Biến chứng nặng do sởi có thể tránh được thông qua việc điều trị hỗ trợ nhằm đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống đủ nước và điều trị mất nước bằng dung dịch bù nước và điện giải đường uống (oresol) được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dung dịch này thay thế cho dịch và các yếu tố cần thiết đã bị mất qua tiêu chảy và nôn. Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định điều trị các nhiễm trùng tai và mắt, và viêm phổi.

Tất cả trẻ em ở các nước đang phát triển được chẩn đoán bệnh sởi cần được bổ sung 2 liều vitamin A, cách nhau 24 giờ đồng hồ. Điều trị này nhằm khôi phục nồng độ vitamin A thấp trong thời gian mắc sởi, ngay cả với trẻ được nuôi dưỡng tốt, để giúp dự phòng tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được chứng minh là làm giảm 50% số lượng các trường hợp tử vong do bệnh sởi.

Trẻ em mắc sởi không nên đến trường cho tới sau khi ban sởi bắt đầu xuất hiện tối thiểu 5 ngày.
Cùng chuyên mục