Cách phát hiện sớm trẻ nhỏ “dính” bệnh sởi

SK&ĐS, icon
03:09 ngày 16/04/2014

Trong khi bệnh sởi đang có những biến chứng bất thường đe dọa tính mạng người mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ, các bà mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để tránh biến chứng nguy hiểm.

Sốt cao là dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao, sốt bắt đầu từ 10 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, và các đốm trắng nhỏ bên trong má có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu.

Sau một vài ngày, ban sởi (ban đỏ/nâu dạng chấm) bùng phát, thường ở mặt và cổ. Trong khoảng ba ngày, ban sởi lan rộng xuống thân mình và cuối cùng xuống tới tay và chân. Ban sởi kéo dài 5 - 6 ngày và sau đó mất dần. Trung bình, ban sởi xuất hiện sau khi tiếp xúc với virus được 14 ngày (trong phạm vi 7 đến 18 ngày).

Sởi nặng thường gặp ở trẻ em được nuôi dưỡng kém (trẻ suy dinh dưỡng), đặc biệt những trẻ thiếu hụt vitamin A hoặc hệ thống miễn dịch của chúng bị suy giảm do HIV/AIDS hoặc các bệnh lý khác.

Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan tới sởi là do biến chứng của bệnh. Các biến chứng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 20 tuổi.

Các biến chứng nghiêm trọng nhất bao gồm: mù mắt, viêm não (nhiễm trùng gây phù não), tiêu chảy nặng gây mất nước, nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi.

Có gần 10% các trường hợp sởi tử vong trong quần thể có tỷ lệ suy sinh dưỡng cao và không được chăm sóc y tế đầy đủ.

Phụ nữ bị sởi trong khi mang thai cũng có nguy cơ biến chứng nặng và thai kỳ có thể kết thúc do sẩy thai hoặc sinh non.

Những người khỏi bệnh sởi sẽ có miễn dịch với sởi suốt đời.
Cùng chuyên mục