Mắc sán lợn, điều trị như thế nào?

Tuấn Bảo, icon
10:10 ngày 16/03/2019

VTV.vn - Bệnh sán dây là do các loài sán dây trưởng thành ký sinh trong ruột gây nên dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - khi mắc sán lợn cần tuân thủ và lưu ý:

Nguyên tắc điều trị:

- Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu.

- Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.

- Lưu ý những trường hợp chống chỉ định điều trị: phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thận, bệnh tâm thần... cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.

- Không nên điều trị bằng thuốc đông y, thuốc nam hoặc các thuốc cổ điển đối với bệnh sán lợn vì dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

- Điều trị bệnh ấu trùng sán lợn nên thực hiện ở cơ sở y tế trang bị phương tiện cấp cứu tốt, có bác sĩ chuyên khoa theo dõi.

Thuốc điều trị

- Điều trị sán dây trưởng thành có thể dùng một trong hai loại thuốc sau:

Praziquantel viên nén 600 mg liều 15 - 20 mg/kg, liều duy nhất uống sau khi ăn 1 giờ.

Niclosamide viên nén 500 mg liều 5 - 6 mg/kg, liều duy nhất uống lúc đói; sau 2 giờ tẩy Magie sulphat 30 mg kèm theo uống nhiều nước (1,5 - 2 lít).

- Điều trị nang sán (áp dụng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên):

Praziquantel viên nén 600mg liều 15 mg/kg/lần, 2 lần/ngày trong vòng 10 ngày và phác đồ 2 - 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10 - 20 ngày.

Albendazole 7,5 mg/kg/lần, 2 lần/ngày trong vòng 30 ngày, phác đồ 2 - 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10 - 20 ngày. 

Trước khi dùng phác đồ này, cần tẩy sán trưởng thành bằng Praziquantel liều duy nhất từ 15 - 20 mg/kg.

Phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục