Mảnh xương bò "đi lạc" vào phổi nữ bệnh nhân suốt 3 tháng

Tuấn Bảo, icon
07:58 ngày 05/09/2019

VTV.vn - Đau tức ngực, ho kéo dài suốt 3 tháng, nữ bệnh nhân 49 tuổi ở Hà Tĩnh đi khám và phát hiện phế quản phải có dị vật là mảnh xương cứng, gây biến chứng viêm phổi nặng.

Ho dữ dội kéo dài kèm nhiều đờm, tức ngực, khó thở, bệnh nhân N.T.D. đi khám tại bệnh viện tuyến dưới nhưng không thể điều trị dứt điểm bệnh tình. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến tới Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết:Ccách đây 3 tháng đã bị hóc xương trong một lần ăn bún bò. Bệnh nhân cứ nghĩ mẩu xương sẽ trôi xuống đường tiêu hóa và tự ra ngoài, nhưng thực tế, dị vật đã "đi lạc" vào đường hô hấp.

Qua hình ảnh phim chụp CTScanner, các bác sĩ phát hiện: Dị vật kích thước lớn, có cạnh sắc nhọn nằm vị trí phế quản trung gian phổi phải, viêm mủ, sưng tấy xung quanh, gây nên tình trạng viêm phổi nặng, khó thở nhiều cho bệnh nhân.

Mảnh xương bò đi lạc vào phổi nữ bệnh nhân suốt 3 tháng - Ảnh 1.

Do thời gian mẩu xương nằm trong cơ thể đã lâu, nên tổ chức mô hạt xung quanh đã phát triển bao phủ dị vật. Các bác sĩ đã khéo léo khi gắp để tránh tình trạng tổn thương, chảy máu phế quản cho bệnh nhân. Một mẩu xương bò kích thước gần 4cm đã được lấy ra an toàn.

Theo bác sĩ Khoa Hô hấp, nếu dị vật tiếp tục ở phổi thêm sẽ làm tình trạng sức khỏe người bệnh ngày càng xấu đi: Gây nhiễm trùng đường hô hấp, cản trở sự thông khí; nặng hơn là xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ, giãn phế quản. Việc gắp bỏ dị vật giúp điều trị nhiễm trùng đường hô hấp triệt để và ngăn ngừa tái phát.

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi bị hóc dị vật, mọi người thường cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian để lấy ra. Tuy nhiên, những cách này sẽ làm tình trạng xấu đi, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào vị trí nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần chú ý, cung cấp đầy đủ thông tin để bác sĩ nắm bắt các khả năng có thể xảy ra và đưa hướng chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa hóc dị vật, khi ăn uống, không nên vội vàng, nói hay cười đùa, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Cần tập trung ăn, nhai kỹ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường thở.

Khi không may hóc, kèm những biểu hiện bất thường như khó thở, ho nhiều, tức ngực, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân có hội chứng xâm nhập, ho nhiều, viêm đường hô hấp tái phát không đỡ, phải đến cơ sở chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục