Mùa lạnh cảnh giác với viêm đường hô hấp trên

Võ Quỳnh, icon
09:00 ngày 23/12/2019

VTV.vn - Vào mùa lạnh, cơ thể rất dễ bị nhiễm bệnh nhất là những bệnh liên quan đến đường hô hấp trên như viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản, viêm xoang...

Hình minh họa.

Viêm đường hô hấp trên là bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp. Nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên đa phần là do nhóm virus, vi khuẩn như: liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A, phế cầu khuẩn và một số loại nấm... Khi sức đề kháng của cơ thể yếu đi, nhóm virus, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi, họng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Ngoài ra, viêm đường hô hấp trên có thể do nhiều căn nguyên khác như: do dị ứng với thời tiết, dị ứng khói bụi...

Chị N.T.T. (trú tại Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết: "Mấy ngày gần đây, con chị thường có biểu hiện chảy mũi, đau rát họng. Cứ nghĩ là do thời tiết thay đổi nên xịt rửa nước muối sinh lý sẽ khỏi. Tuy nhiên, do chủ quan nên khi cháu sốt cao, mệt mỏi, gia đình mới cho cháu nhập viện. Đi khám mới biết cháu bị viêm họng cấp".

Tương tự, anh P.V.H. (trú tại Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ: Bản thân thường làm việc trong môi trường khói bụi. Mỗi sáng ngủ dậy thường cảm thấy đau rát họng, ho. Gần 1 tháng trở lại đây, anh ho nhiều hơn, chảy nước mũi, nghẹt mũi kéo dài. Nghĩ là bị cảm cúm, anh tự mua thuốc uống mà không khỏi. Qua thăm khám, nội soi họng bác sĩ kết luận anh bị viêm amidan mạn tính, phải điều trị bằng kháng sinh.

Theo bác sĩ Đinh Quang Biên, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, viêm đường hô hấp trên là bệnh có nguy cơ bùng phát cao trong thời điểm giao mùa, triệu chứng thường gặp là sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng... Tuy nhiên, với đặc điểm của viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, biểu hiện của bệnh nhanh và mang tính ồ ạt kèm theo là sốt cao và thành cơn (thường là 39 độ C trở lên); hắt hơi, sổ mũi xuất hiện nhiều lần trong ngày kèm theo rát mũi, đau họng.

Viêm đường hô hấp trên cấp tính thường xảy ra khi gặp một số yếu tố thuận lợi tác động vào cơ thể như thay đổi thời tiết đột ngột. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng thì rất dễ chuyển thành mạn tính.

Cũng theo bác sĩ Đinh Quang Biên, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người mới ốm dậy, người mắc bệnh AIDS... rất dễ bị viêm đường hô hấp trên vì có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Bệnh này không quá nguy hiểm song điều đáng lo là dễ tái phát, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Mầm bệnh gây viêm đường hô hấp trên có thể lan xuống đường hô hấp dưới nếu bệnh nhân không điều trị đúng và không biết cách phòng tránh.

Để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên, quan trọng nhất vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống. Khi có một số dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên như: ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi... không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh, không điều trị theo lời mách bảo của người khác. Cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời đề phòng biến chứng xấu xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục