Nam thanh niên sốc sốt xuất huyết nặng sau 4 ngày tự điều trị tại nhà

P.V, icon
09:52 ngày 25/08/2024

VTV.vn - Bệnh nhân H.C.L. (32 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào viện khám trong tình trạng mệt nhiều, bụng chướng.

Bệnh nhân được theo dõi, điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Trước đó, bệnh nhân bị sốt, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, bệnh nhân tự điều trị ở nhà 4 ngày không đỡ. 

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã cho bệnh nhân thở máy, truyền khối tiểu cầu, làm các xét nghiệm và cận lâm sàng theo dõi liên tục... Sau 10 ngày, bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

Hiện nay, trung bình một ngày, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận điều trị từ 10 đến 15 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích luỹ từ đầu năm đến nay, khoa điều trị cho 350 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 40% trường hợp bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao, tăng 20-25% so với cùng kỳ 2023.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sốt xuất huyết nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề và có thể tử vong. Đầu tiên là sốc, giảm thể tích do thoát huyết tương. Thoát huyết tương kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê hoặc thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa. Tiếp đến là suy tạng, đặc biệt là gan, tim, phổi, não và cuối cùng là biến chứng xuất huyết nặng và có thể tử vong.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính gồm sốt, nguy hiểm và phục hồi. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Do đó, bệnh nhân cần nhập viện ngay khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít… để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Đang thời điểm bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh, người dân lưu ý các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết sau đây:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… để không cho muỗi đẻ trứng.

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.

- Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục