Nâng cao nhận thức của người dân trong việc tầm soát ung thư

Minh Đức, icon
09:30 ngày 24/02/2019

VTV.vn - Ung thư để lại nhiều gánh nặng kinh tế cho người bệnh do bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, người dân cũng chưa có nhận thức đúng về căn bệnh.

Những căn bệnh không lây nhiễm đang dần trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống, bệnh ung thư là một trong số đó. Căn bệnh này là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc mới nhiều nhất tại Việt Nam và mang đến gánh nặng về kinh tế cho người bệnh và gia đình. GĐ.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người mắc ung thư mới ở Việt Nam tiếp tục tăng thời gian qua là do người dân có những suy nghĩ và nhận thức chưa đúng về bệnh ung thư. Do vậy, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi mà các biện pháp điều trị đều gần như không còn hiệu quả. Cụ thể, trong 5 năm đầu hoạt động phòng, chống ung thư tại một số cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa ung bưới cho thấy, có đến 65,5% số người bệnh được khảo sát đến khám và điều trị giai đoạn muộn.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số người mắc mới bệnh ung thư tăng nhanh, từ 68 nghìn ca (năm 2000) lên 126 nghìn ca (năm 2010) và dự kiến sẽ vượt qua 190 nghìn ca (vào năm 2020). Mỗi năm có khoảng 115 nghìn người chết vì ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam đứng ở vị trí thứ 78 trong 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ chết vì ung thư cao. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và chết đứng đầu, tiếp theo là dạ dày, gan, đại trực tràng. Còn ở nữ giới, lần lượt là ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, gan… Ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới và ung thư tuyến giáp ở nữ giới có tốc độ gia tăng nhanh nhất trong những năm vừa qua.

Không chỉ số lượng người mắc bệnh ung thư, mà chi phí điều trị bệnh ung thư cũng liên tục tăng. Theo Trung tâm Phát triển toàn cầu, những bệnh mạn tính gồm ung thư, tim mạch và đái tháo đường là thủ phạm gây ra hơn 60% số trường hợp chết trên toàn thế giới và tiêu tốn gần 3% tổng chi phí điều trị toàn cầu. Tại Việt Nam, ước tính chi phí trực tiếp cho 6 loại bệnh ung thư gồm: vú, tử cung, gan, đại tràng, khoang miệng và dạ dày lên tới khoảng 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP (năm 2012). Ðáng lo ngại, cứ 10 năm chi phí điều trị ung thư lại tăng gấp 1,5 đến 2 lần, vì người bệnh được tiếp cận những phương pháp chẩn đoán và điều trị mới tiên tiến hơn như áp dụng các xét nghiệm hiện đại, cập nhật kỹ thuật phẫu thuật mới, sử dụng thuốc mới.

TS. Trần Văn Thuấn cũng cho biết, theo quy hoạch mạng lưới phòng, chống ung thư giai đoạn 2009 - 2020 được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, thì đến năm 2020, các tỉnh, thành phố đều có cơ sở khám và điều trị ung thư (khoa ung bướu, trung tâm ung bướu hoặc bệnh viện ung bướu).

Tuy nhiên hiện nay, chỉ riêng về số giường bệnh thực tế hiện mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu; mới có 1/3 số tỉnh, thành phố có khả năng tiếp nhận và điều trị người bệnh ung thư đầy đủ của chu trình điều trị đa mô thức, còn lại phần lớn người bệnh chuyển lên tuyến trên. Tại các bệnh viện đa khoa tỉnh chưa có khoa ung bướu, người bệnh thường nằm rải rác ở các khoa ngoại khoa, khoa nội. Cho nên, các hoạt động chuyên môn khó có điều kiện phát triển chuyên sâu, một số quy trình kỹ thuật trong điều trị chưa được tuân thủ chặt chẽ. Trong khi đó, phần lớn các bệnh viện có khoa ung bướu cũng chưa đủ các nguyên đơn để thực hiện đầy đủ quy trình điều trị đa mô thức, hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu điều trị phẫu thuật một số bệnh ung thư cơ bản do đội ngũ nhân lực chuyên ngành ung thư chưa đáp ứng về số lượng và trình độ chuyên môn.

Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn, nhất là thực hiện mục tiêu đến năm 2025, hạn chế sự gia tăng tỷ lệ mắc mới và chết do ung thư, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để hoạt động phòng, chống ung thư được thực hiện thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương. Bảo đảm trang thiết bị cho công tác dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc giảm nhẹ theo dõi và quản lý lâu dài người bệnh. Tăng cường phát hiện các triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, quản lý ghi nhận ung thư tại phòng khám, trạm y tế xã và cộng đồng theo quy định, bảo đảm cung cấp dịch vụ quản lý, theo dõi, chăm sóc liên tục cho người bệnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tiêm vaccine phòng ung thư, nhất là duy trì tỷ lệ cao trẻ em được tiêm đủ liều vaccine viêm gan B; từng bước mở rộng triển khai dịch vụ tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trong độ tuổi và các loại vaccine khác nếu có.

Các chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu cũng đề nghị cần tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư; tập trung nguồn lực triển khai cập nhật các kỹ thuật hiện đại tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu; triển khai các biện pháp sàng lọc phù hợp, hiệu quả để tăng cường phát hiện sớm ung thư, có hệ thống quản lý theo dõi các tổn thương tiền ung thư. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục