Nghiện game online: Bệnh lý cần điều trị sớm và kiên trì

TTXVN, icon
03:24 ngày 25/07/2023

VTV.vn - Mỗi tháng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 3-4 trường hợp nhập viện điều trị. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu từ 10-24.

Hình minh họa.

Gia tăng tình trạng nghiện game, Internet

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (M7), Viện Sức khỏe tâm thần thông tin, trò chơi điện tử đã dần trở thành một trong những hình thức giải trí phổ biến nhất hiện nay. Tỷ lệ mắc nghiện game toàn cầu hiện ở mức 8,5% đối với nam, 3,5% đối với nữ. Trong tất cả các khu vực toàn cầu, châu Á cho thấy tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), châu Đại Dương (3,0%) và châu Âu (2,7%). Trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,6%).

Nghiên cứu tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia năm 2021 trên lứa tuổi 10 - 24 cho thấy, số người có thời gian sử dụng internet trung bình trên 3 giờ mỗi ngày chiếm tỷ lệ cao (trên 51,3%), trong đó, thời gian nhiều nhất lên đến 15 giờ/ngày. Công cụ để sử dụng internet nhiều nhất là thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng…), chiếm 98,2%. Nội dung được lựa chọn sử dụng nhiều nhất là mạng xã hội (51,37%), chơi trò chơi điện tử trực tuyến (26,6%), xem video trực tuyến (14,68%).

Tỷ lệ nghiện internet trong nhóm người bệnh nghiên cứu theo tiêu chuẩn lâm sàng là 43,1%. Tuy nhiên, mức độ nghiện thường chỉ ở mức nhẹ hoặc vừa nên thường dễ bị bỏ sót trên lâm sàng khi thăm khám và chẩn đoán.

Theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, nghiện game là khi người chơi chỉ chơi game mà bỏ qua hầu hết các sở thích khác; hoạt động trực tuyến liên tục và lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng suy yếu hoặc đau khổ đáng kể về mặt lâm sàng. Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game dẫn đến làm giảm khả năng giao tiếp xã hội, gây mất ngủ và rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến thành tích học tập và hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game như bồn chồn, bứt rứt, cáu gắt…

Nghiện internet được xếp vào loại nghiện hành vi, có thể tác động tiêu cực đến phát triển tư duy, làm giảm nỗ lực để lưu giữ thông tin trong não bộ. Đối với trẻ em, tình trạng này gây ảnh hưởng đến quá trình học tập, phát triển kỹ năng đọc, hiểu, phân tích và khả năng tập trung, khiến trẻ dễ dàng bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn, lâu dần sẽ gây ảnh hưởng và làm suy yếu các mối quan hệ và tương tác xã hội, thậm chí rối loạn chức năng não bộ.

Nghiên cứu đã cho thấy, nghiện game, nghiện internet thường được kích hoạt bởi nhu cầu thỏa mãn cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn. Người dùng tìm đến internet như một phương tiện để trốn tránh và xoa dịu những cảm xúc này. Đây chính là cảm xúc mà giới trẻ thường gặp phải và game hay internet là "công cụ" chạy trốn hiệu quả nhất.

Ngoài ra, sử dụng internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện", bác sĩ Ngọc phân tích.

Ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần

Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.M.Q. (nam, 21 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện với lý do dễ cáu gắt, chơi game online nhiều. Bệnh nhân đã nghiện game nhiều năm nay và từng vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương điều trị hai đợt nhưng bệnh thuyên giảm ít.

Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (M7), Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, Q. là một trong những trường hợp nhập viện trong thời gian gần đây vì các biểu hiện tâm thần bất ổn sau một thời gian dài nghiện game. Bệnh nhân nhập viện vì nghiện game đến mức mất kiểm soát hành vi, bỏ bê mọi việc, chỉ sống trong thế giới game.

Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, Q. từng là sinh viên khoa công nghệ sinh học của một trường đại học nhưng nay đã nghỉ học giữa chừng. Bệnh nhân có những sang chấn tâm lý thời ấu thơ do bố mẹ ly hôn khi học lớp 7. Cũng đúng vào thời điểm này, Q. bắt đầu chơi game online nhiều. Ban đầu chỉ là tò mò chơi thử khi được bạn bè rủ rê nhưng sau đó Q. thấy rất thích vì được giải tỏa căng thẳng học tập và quen nhiều bạn bè hơn. Dần dần bệnh nhân chơi cả ngày lẫn đêm, có ngày dành 10-12 tiếng để chơi game. Thậm chí nếu được nghỉ học, bệnh nhân dành cả ngày chơi game, chỉ ăn uống qua loa như mì tôm hay nước tăng lực.

Nhận thấy con chơi điện tử quá nhiều, mẹ Q. đã khuyên bảo, tắt máy tính thì Q. cáu gắt, cãi lại mẹ. Đặc biệt, Q. không còn thích thú với những sở thích cũ của bản thân như đá bóng, trò chuyện với bạn bè. Kết quả học tập của Q. sa sút, từ học lực khá giỏi xuống học lực trung bình. Từ khi thi đỗ đại học, Q. ở trọ cùng các bạn nên mẹ không còn giám sát, đôn đốc được như trước. Thấy Q. có nhiều biểu hiện bất thường, giáo viên ở trường liên lạc với gia đình, mẹ Q. phải đưa con đi điều trị rối loạn tâm thần.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long, hành vi nghiện game thường bắt đầu từ khi trẻ vị thành niên và ngày càng tăng nặng hơn nếu như không có sự kiểm soát và can thiệp của người lớn, trong đó, trẻ em trai nhiều hơn trẻ em gái. Nam vị thành niên thường có tính cách ương ngạnh, tò mò, bồng bột, phá phách hơn nên những trò chơi bạo lực, cảm giác mạnh sẽ kích thích và cuốn hút các em, khiến các em dễ sa đà vào game online và dẫn đến nghiện game hơn các em gái.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện để "cai game". Chỉ những trẻ nghiện game, kèm theo những biểu hiện rối loạn cảm xúc, tâm thần, ăn ngủ thất thường dẫn đến trầm cảm, stress, xa lánh xã hội, bỏ bê chuyện học hành, công việc… mới cần nhập viện. Những trường hợp này ngoài liệu pháp tâm lý còn phải cần điều trị hóa dược để chữa trị từ cảm xúc đến hành vi", bác sĩ Long chia sẻ.

Bác sĩ Long khuyến cáo các bậc cha mẹ khi thấy con có hành vi chơi game, sử dụng internet quá 3-4 tiếng mỗi ngày không phải vì học tập hay làm việc, cần can thiệp ngay, đừng để con nghiện game rồi mới vội vã điều trị; vì khi đó, việc tác động tâm lý, điều chỉnh hành vi rất khó khăn và có khả năng tái phát nếu như không có sự giám sát, kiên trì điều trị.

Để hỗ trợ con, cha mẹ nên tăng cường cho con tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tương tác xã hội, trò chuyện với con… đừng để con trốn tránh trong thế giới ảo một mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục