Người nhiễm HIV/AIDS mắc COVID-19 dễ trở nặng

Thanh Tú, icon
07:00 ngày 27/10/2021

VTV.vn - Đối với những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng yếu nói chung và người nhiễm HIV/AIDS suy giảm miễn dịch nói riêng khi nhiễm COVID-19 dễ có nguy cơ khiến bệnh nặng hơn.

Bác sĩ khám và kê toa thuốc cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, trong 9 tháng của năm 2021, trên địa bàn tỉnh phát hiện 545 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV/AIDS tại Đồng Nai hiện khoảng 6.000 người; trong đó, có 5.766 trường hợp đã được quản lý (4.566 trường hợp quản lý tại địa phương).

BS.CKI Vũ Thị Ngọc, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho biết: Đối với những người nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 (hệ thống miễn dịch) thấp và người nhiễm HIV nhưng chưa điều trị bằng thuốc ARV thì khi bị nhiễm COVID-19, nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn so với những người có số lượng tế bào CD4 cao và những người tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV tốt.

Nhiều ca bệnh COVID-19 tử vong thời gian qua đều có liên quan đến tuổi già và các bệnh khác kèm theo. Do đó, nếu người nhiễm HIV cao tuổi, có các bệnh nền kèm theo như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì nguy cơ tử vong càng cao khi nhiễm COVID-19.

BS.CKI Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho hay: Trong 9 tháng của năm 2021, số người nhiễm HIV được phát hiện qua xét nghiệm giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều bệnh nhân khó khăn trong việc di chuyển tới các cơ sở điều trị để được khám và điều trị. Để đảm bảo cho bệnh nhân không bị gián đoạn uống thuốc ARV, CDC Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp như: gửi thuốc ARV qua đường bưu điện cho bệnh nhân; nếu bệnh nhân trong khu phong tỏa có thể nhờ người nhà đến lãnh thuốc thay…

Để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho bệnh nhân nhiễm HIV, theo bác sĩ Ngọc, người nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ. Thực hiện kiểm tra sức khỏe và tuân thủ điều trị như: uống thuốc đúng liều, đúng giờ, xây dựng kế hoạch chăm sóc bản thân nếu phải ở nhà trong một vài tuần. Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám, điều trị HIV để được tư vấn, hướng dẫn. Nếu có các bệnh mạn tính khác đi kèm như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường thì cần phải khám, uống thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm kiểm soát tốt các bệnh nói trên.

Đồng thời, nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng như: ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, giảm căng thẳng, luyện tập thể dục đều đặn…

Bên cạnh đó, người nhiễm HIV cũng cần tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa COVID-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế; không tiếp xúc với người đang có biểu hiện của bệnh đường hô hấp, vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Nếu có các biểu hiện sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục