Nhiều khó khăn trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở trạm y tế

Hoàn Lê (CDC Đồng Nai), icon
06:08 ngày 07/11/2022

VTV.vn - Được xem là cơ sở y tế gần dân nhất nhưng nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn tại tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).

Nhiều trạm y tế chưa có bác sĩ đa khoa

Theo thống kê của Sở Y tế, nhiều trạm y tế trong tỉnh đang thiếu bác sĩ theo chức danh và vị trí việc làm. Đến nay, mới chỉ có 146/170 trạm y tế có bác sĩ định biên, còn 24 trạm y tế chưa có. Một số trạm y tế chỉ có bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng, không có bác sĩ đa khoa nên gặp khó khăn trong việc ký toa thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đơn cử như huyện Vĩnh Cửu, hiện chỉ có 2/12 trạm y tế có thể triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (xã Vĩnh Tân và xã Bình Lợi).

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Trạm y tế xã Tân Bình cho biết, với những trạm chỉ có bác sĩ y dược cổ truyền, dự phòng, y sĩ đa khoa như Tân Bình không được Bảo hiểm xã hội tỉnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, mặc dù những bác sĩ, y sĩ này đã có chứng chỉ hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn được quy định.

Cụ thể, bác sĩ y học cổ truyền thực hiện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; bác sĩ dự phòng phát hiện và xử trí các bệnh thông thường, xử trí một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng; y sĩ đa khoa thực hiện sơ cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh thông thường tại trạm y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ.

Bác sĩ Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu cho hay, những quy định hiện hành liên quan đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở trạm y tế tuyến xã đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các trạm. Đặc biệt, người dân, nhất là những người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện như: Mã Đà, Phú Lý… chịu nhiều thiệt thòi.

"Bệnh nhân đến trạm nhưng không được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dẫn đến chán nản, phải chuyển lên tuyến trên, vừa tốn thời gian, công sức, tiền bạc, vừa không được khám chữa bệnh kịp thời. Họ chỉ đến trạm một lần và lần sau sẽ không đến nữa. Bác sĩ không phải bác sĩ đa khoa, y sĩ tại trạm không được khám chữa bệnh, không có bệnh nhân để thực hành tay nghề chuyên môn cũng dần bị "thui chột" kiến thức, kỹ năng, cũng chán nản rồi xin nghỉ việc. Vòng tròn luẩn quẩn đã nhiều năm nay chưa có lời giải do việc tuyển dụng bác sĩ về huyện gặp rất nhiều khó khăn" - bác sĩ Hoài chia sẻ.

Tiền công khám bảo hiểm y tế quá thấp

Y sĩ Nguyễn Thất Sơn, Trưởng Trạm y tế xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) nói: "Trạm hiện chỉ có 1 bác sĩ nhưng đi họp liên tục. Do đó, việc khám bệnh tại trạm giao lại cho y sĩ".

Trước đây, y sĩ đông y khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả cho một số thủ thuật nhưng đến nay bảo hiểm xã hội không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho y sĩ, dù y sĩ đông y thực hiện được một số thủ thuật như điện châm, bấm huyệt. Trong khi đó, người dân điều trị bằng đông y hầu hết là những người cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, mua thẻ bảo hiểm y tế với mong muốn được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm, nơi gần dân nhất. Nhưng nếu người dân đến trạm y tế mà không được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ rất thiệt thòi.

Hiện nay, tiền công khám bảo hiểm y tế cho một lần khám tại trạm là 27,5 ngàn đồng. Trừ đi các khoản chi phí khác, chỉ còn lại 2 ngàn đồng. Trong khi lương của nhân viên y tế tại trạm rất thấp, số tiền công khám bảo hiểm y tế tại trạm không còn được bao nhiêu, dẫn đến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc.

"Chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại việc trả tiền công khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế. Qua đó, giúp các trạm y tế có thêm khoản thu nhằm nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, ngăn làn sóng nhân viên y tế các tuyến nghỉ việc như hiện nay" - y sĩ Sơn đề xuất.

Còn lãnh đạo Trạm y tế xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) nêu thực tế, có những người dân có thẻ bảo hiểm y tế với nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở các bệnh viện ngoài huyện, nhưng đến khi khám chữa bệnh tại trạm y tế thì không được hưởng dù số thuốc nếu được bảo hiểm y tế chi trả không nhiều.

"Một bác sĩ đa khoa trong một tháng có thể khám được từ 500-1.000 bệnh nhân, nhưng nay có rất ít người dân đến trạm y tế để khám bệnh do vướng mắc một số vấn đề liên quan đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chúng tôi kiến nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Y tế kiến nghị với cấp quản lý cao hơn để tháo gỡ vấn đề này, đề nghị cho phép người dân mua thẻ bảo hiểm y tế có nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, dù ở tuyến nào cũng có thể khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế. Bên cạnh đó, cần bổ sung danh mục thuốc tại trạm y tế vì hiện nay ở trạm có rất ít thuốc" - bác sĩ Mai Văn Quang, Trưởng Trạm y tế Phú Thanh nói.

Bác sĩ Hoàng Thông, Trưởng Trạm y tế P. Tam Hiệp (TP. Biên Hoà) cũng cho biết, thế mạnh của trạm y tế là khám chữa bệnh y học cổ truyền, hiện trạm có 9 danh mục khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền với đầy đủ trang thiết bị, máy móc có thể thực hiện châm cứu, bấm huyệt… để điều trị cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống, rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, do không được thanh toán bảo hiểm y tế, nên từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng 10 bệnh nhân đến điều trị và đều phải tự chi trả, những y sĩ ở trạm đều có chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền nhưng không được làm chuyên môn nên rất phí. Vì vậy, hoạt động khám chữa bệnh y học cổ truyền chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn người bệnh cách sử dụng một số cây thuốc đông y hoặc chỉ cấp một số thuốc y học cổ truyền khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh đa khoa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục