Nhiều nước châu Âu áp đặt tình trạng khẩn cấp do COVID-19

Trang Phan, icon
02:25 ngày 02/10/2020

VTV.vn - Tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu tiếp tục diễn biến tồi tệ khiến nhiều nước phải áp đặt tình trạng khẩn cấp.

Nhiều nước châu Âu áp đặt tình trạng khẩn cấp do COVID-19.

Nhà chức trách Pháp cảnh báo rằng thủ đô Paris có thể sẽ bị đặt trong tình trạng cảnh báo tối đa và Tây Ban Nha mở rộng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trên toàn thủ đô Madrid.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thừa nhận: "Chúng ta đang ở trong giai đoạn tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn". Trong bối cảnh số các ca mắc bệnh đang tăng rất nhanh, nhiều khả năng thủ đô Paris sẽ bị áp đặt tình trạng cảnh báo tối đa về nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ ngày 5/10 tới. Theo đó, tất cả các quán bar và nhà hàng tại đây sẽ phải đóng cửa và mọi hình thức tiệc tùng hay gặp mặt trong gia đình cũng sẽ phải tạm hoãn. Theo ông Olivier Veran, tại Paris và các vùng ngoại ô của thành phố này, cả 3 tiêu chí về mức cảnh báo tối đa - tỷ lệ người mắc bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở những người trên 65 tuổi, tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt - hiện đều đã vượt ngưỡng cho phép. Trong ngày 1/10, Pháp ghi nhận thêm 13.970 ca mắc COVID-19, trong đó có 32.019 trường hợp không qua khỏi.

Nhiều nước châu Âu áp đặt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thừa nhận: "Chúng ta đang ở trong giai đoạn tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn". (Ảnh: CNN)

Tây Ban Nha cũng đang gồng mình ứng phó với làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19. Bất chấp sự phản đối gay gắt từ chính quyền khu vực Madrid, Chính phủ Tây Ban Nha đã mở rộng các lệnh hạn chế nghiêm ngặt trên khắp thủ đô, trong khi các lệnh hạn chế tương tự cũng đã được siết chặt hơn tại những khu vực có nguy cơ khác trên toàn quốc.

Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao nhất tại Liên minh châu Âu (EU), trong đó thủ đô Madrid là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Số liệu thống kê cho thấy: Tại Madrid, cứ 100.000 người thì có 780 ca mắc COVID-19, trong khi tại các khu vực còn lại của Tây Ban Nha, tỷ lệ này chỉ là 300 ca.

Nhiều nước châu Âu áp đặt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 - Ảnh 2.

Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao nhất tại Liên minh châu Âu. (Ảnh: CNN)

Trong khi đó, Chính phủ Anh đã mở rộng phạm vi phong tỏa đối với một số thị trấn ở miền Bắc nước này, đặt 1/4 lãnh thổ nước Anh vào diện siết chặt các lệnh hạn chế để phòng dịch hiệu quả hơn. Anh cũng thông báo sẽ áp đặt biện pháp cách ly đối với du khách từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan do số ca mắc COVID-19 đang ngày càng tăng.

Chính phủ các nước Slovakia và Séc cũng đã quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc - lần lượt từ ngày 2/10 và 5/10 - trong bối cảnh số người mắc COVID-19 và tử vong do căn bệnh này đã gia tăng đáng kể.

Nhiều nước châu Âu áp đặt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 - Ảnh 3.

Slovakia và Séc cũng đã quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. (Ảnh: CNN)

Chính phủ Ba Lan đã bổ sung thêm một số khu vực đô thị vào danh sách những khu vực cần siết chặt hạn chế để phòng dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày 1/10 với 1.967 ca, trong đó có 30 người đã tử vong. Hiện tổng số người mắc COVID-19 tại Ba Lan đã là 93.481 người, trong khi số ca tử vong là 2.543 trường hợp.

Với quyết định trên, các thành phố cảng Gdansk và Szczecin (cùng có dân số hơn 400.000 người) được chỉ định là "khu vực màu vàng". Các hội nghị và hội chợ được phép tiếp nhận số khách tham quan theo tỷ lệ 1 người trên mỗi 4m2, trong khi các sự kiện văn hóa và thể thao chỉ có thể tiếp nhận số khán giả bằng 25% so với sức chứa bình thường. Trong số danh sách "khu vực màu vàng" tại Ba Lan còn có các thành phố lớn khác như Kielce, Rzeszow và Gdynia. Tại các "khu vực màu đỏ" như khu nghỉ mát Sopot, người dân không được phép tới tham dự các sự kiện có đông người. Dự kiến trong ngày 3/10, Chính phủ Ba Lan sẽ công bố chính thức các khu vực được phân loại theo bảng màu. Trong bối cảnh thế giới đang vật lộn để kiểm soát đại dịch, các quốc gia trên toàn cầu - trong đó có Đức, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ - đang gấp rút nghiên cứu để bào chế vaccine. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 30/9, đã có 192 vaccine tiềm năng phòng COVID-19 đang được phát triển trên toàn thế giới và 41 vaccine trong số đó đang được thử nghiệm lâm sàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục