Những bệnh lý nguy hại về phổi

Theo An ninh Thủ đô, icon
12:07 ngày 05/03/2017

VTV.vn - Thời tiết thay đổi thất thường cùng độ ẩm cao là cơ hội cho các bệnh đường hô hấp tiến triển. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do ô nhiễm khói bụi, thói quen hút thuốc.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Đây là một dạng bệnh lý tắc nghẽn đường thở (khí - phế quản) không hồi phục do viêm mạn tính đường thở mà nguyên nhân do hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc với khói, bụi. Bệnh có thể ngăn ngừa bằng việc hạn chế tiếp xúc với các nguyên nhân trên, đồng thời tăng cường chất lượng không khí tại môi trường sống và làm việc.

Lao phổi: Là thể bệnh gặp nhiều nhất trong bệnh do vi khuẩn lao, chiếm khoảng 80% tổng số ca mắc bệnh lao. Đây cũng là nguồn lây vi khuẩn cho những người lành nhiều nhất. Khi có các triệu chứng như ho kéo dài, sốt nhẹ, ho ra máu, ra mồ hôi trộm, sút cân cần đi khám để phát hiện và điều trị. Việc điều trị sớm làm tăng khả năng khỏi bệnh, giảm lây nhiễm cho người thân và cho cộng đồng. Điều trị lao cần phải dùng thuốc đúng, đều đặn và đặc biệt là đủ thời gian, bởi tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn lao hiện nay khá cao. Cần tiêm phòng lao cho trẻ em.

Viêm phổi: Từ viêm đường hô hấp trên rất dễ dẫn tới viêm phổi. Tình trạng viêm ở nhu mô phổi thường do vi khuẩn, virus, nấm hoặc các tác nhân khác gây ra. Viêm phổi là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại đối với người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hoặc bị suy giảm miễn dịch. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi thường rất giống với cảm lạnh và cúm như sốt, ho khạc đờm, đau ngực, khó thở. Khi bị viêm phổi, nếu không được điều trị tốt sẽ dễ bị các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong.

Hen phế quản: Là tình trạng viêm mạn tính ở đường thở, gây khó thở, thở rít, ho, tức ngực, tắc nghẽn đường thở từng đợt. Quá trình viêm này thường do nhiều tác nhân kích thích như phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ... Ngoài ra, độ ẩm không khí cao, khả năng đề kháng kém cũng khiến cho bệnh hen phế quản trong mùa đông xuân cao hơn hẳn so với các mùa khác.

Viêm khí - phế quản cấp tính: Khi các ống có chức năng dẫn khí (phế quản) bị nhiễm trùng, niêm mạc phế quản bị phù nề, sung huyết, tạo nhiều đờm mủ bao phủ gây bít tắc dẫn đến khó thở. Diễn tiến thường lành tính tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng viêm phế quản có thể nặng nề, kéo dài hoặc xuất hiện trên cơ địa có sẵn các bệnh mạn tính.

Ung thư phổi: Đây là một trong những bệnh nguy hiểm do khối u ác tính phát triển ở biểu mô phế quản. Bệnh diễn tiến âm thầm, triệu chứng mờ nhạt nên thường không được phát hiện sớm. Khi phát hiện được thì khối u thường đã lớn, bệnh đã trở nặng. Hơn nữa, các tế bào ung thư có thể đi qua đường máu và di căn theo đường bạch huyết đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác, nhất là não, xương, gan, tuyến thượng thận... Từ bỏ hút thuốc lá, cải thiện môi trường sống là cách ngăn ngừa bệnh ung thư phổi.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục