Những thách thức mà người bị bệnh vảy nến phải đối mặt

Tuấn Bảo, icon
08:01 ngày 03/11/2018

VTV.vn - Vảy nến là bệnh mạn tính, do hiện tượng tự miễn dịch, có những đợt tái lại và hiện tại chưa có thuốc điều trị dứt điểm.

Bệnh vảy nến gây đau đớn, khó chịu cho người mắc, làm mất tự tin, mất khả năng vận động và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt, mặc dù bệnh liên quan đến yếu tố di truyền, không lây nhiễm nhưng bệnh nhân bị bệnh vảy nến thường bị kỳ thị, phân biệt đối xử vì làn da xấu xí.

Theo số liệu thống kê, hiện trên thế giới có khoảng 125 triệu bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Người mắc bệnh sẽ bị tổn thương da điển hình là các mảng viêm, đỏ và có vảy trắng do hiện tượng tăng sinh sừng hóa, ngứa và đau. Bệnh có thể xảy ra bất cứ vị trí nào trên cơ thể, từ móng tay, bộ phận sinh dục đến lòng bàn chân nhưng khu vực thường bị tổn thương nhất là các vùng da xung quanh đầu gối, khuỷu tay, da đầu và thân.

Khi mắc bệnh vảy nến, bệnh nhân có thể mắc các bệnh kèm theo như trầm cảm, béo phì, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, bệnh tim mạch. Trung bình cứ 3 người bị vảy nến thì có một người bị mắc kèm viêm khớp vảy nến. Viêm khớp này gây hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến tàn phế nếu không được chữa trị đúng cách.

Theo bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk, kết quả khảo sát trên hơn 8.000 bệnh nhân ở 30 quốc gia trên thế giới có tới 84% bệnh nhân bị kỳ thị, 43% bệnh nhân bị ảnh hưởng đến các mối quan hệ, 54% ảnh hưởng đến công việc và 38% bệnh nhân được chuẩn đoán có vấn đề về tâm lý. Hầu hết người mắc bệnh đều cảm thấy lo lắng, tự ti thậm chí rơi vào tuyệt vọng.

Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh còn chưa được xác định. Bệnh chưa có thuốc đặc trị nên chưa được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng những phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, vấn đề là người bệnh phải đến điều trị tại các cơ sở y tế uy tín như bệnh viện, trung tâm da liễu để được hướng dẫn điều trị.

Để khống chế bệnh, hiện nay, có các phương pháp điều trị gồm thuốc bôi, chiếu tia cực tím, thuốc uống và tiêm. Khi mắc bệnh, bệnh nhân phải tuân thủ quá trình điều trị; có lối sống lạc quan, lành mạnh và tránh những yếu tố khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần luôn giữ tinh thần thoải mái, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, chế độ ăn uống nên có nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, giảm mỡ động vật, tăng cường thể dục thể thao và nhất là không tự ý điều trị để tránh hậu quả khôn lường.

Theo bác sĩ Duy, trên thực tế, bệnh vảy nến không phải luôn dễ dàng để chẩn đoán, rất dễ nhầm là nấm da, viêm da… gây khó khăn cho các bác sĩ cũng như bệnh nhân. Khi xuất hiện triệu chứng của bệnh, có rất ít trường hợp đi khám chuyên khoa ngay khi phát bệnh mà thường bệnh nhân tự tìm hiểu, rồi tự ý mua thuốc chữa. Hậu quả là bệnh nặng hơn, từ khu trú ở 1 nơi mà lan ra toàn thân do điều trị sai. Điều trị sai không chỉ dẫn đến bệnh phát triển mà còn gây rối loạn chuyển hóa, dẫn tới các bệnh đái tháo đường, suy thận…

Do đó, để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các bệnh nhân nên tới cơ sở y tế như trung tâm da liễu, bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục