Phân loại, phát hiện kịp thời, chống lây nhiễm chéo bệnh sởi

P.V, icon
10:03 ngày 16/02/2019

VTV.vn - Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, việc phân loại, phát hiện kịp thời, chống lây nhiễm chéo vô cùng quan trọng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm với cơ chế lây nhiễm khác nhau. Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh việnphải bằng mọi biện pháp truyền thông (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp, bằng poster, tờ rơi…) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập hiểu rõ đường lây nguy hiểm: qua đường hô hấp.

Đối với người bệnh sởi và nghi sởi mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi.

Tại các khoa khám bệnh phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi. Chỉ nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây chéo trong bệnh viện. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện.

Phân loại, phát hiện kịp thời, chống lây nhiễm chéo bệnh sởi - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế.

Đối với các ca bệnh sởi nặng nặng nếu phải điều trị tại khoa/đơn vị hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu cũng phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Các trường hợp ca bệnh nặng phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải căn cứ số lượng và mức độ bệnh để tăng cường nhân lực, khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế làm công tác điều trị bệnh dịch và hạn chế việc người bệnh truyền nhiễm phải nằm ghép. Tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế ban hành cho các nhân viên y tế tham gia khám, điều trị các bệnh trên đặc biệt đối với các nhân viên y tế được tăng cường.

Trong trường hợp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên thì Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện đầu ngành sẽ hỗ trợ tuyến dưới. Sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng. Nếu có thay đổi số điện thoại đường dây nóng hoặc người phụ trách thì phải thông báo kịp thời với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cá nhân liên quan để biết. Phải đảm bảo công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động, hỗ trợ tuyến dưới.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc thì báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục