Phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư đại - trực tràng?

Linh Chi, icon
07:09 ngày 20/02/2019

VTV.vn - Ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới, bệnh dễ gây tử vong nếu phát hiện muộn.

Hình minh họa.

Đại  trực tràng là phần cuối cùng của ống tiêu hóa. Khi ung thư phát triển, nó sẽ xâm lấn từ trong lòng đại - trực tràng qua thành đại tràng và lan rộng ra bên ngoài. Quá trình xâm lấn có thể diễn ra bằng nhiều cách như: xâm lấn các lớp của đại - trực tràng và sang các cơ quan bên cạnh, đi theo hệ bạch huyết vào các hạch bạch huyết lân cận hoặc đi theo đường máu đến gan và các bộ phận khác.

Ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở cả nam và nữ và là nguyên nhân thứ 2 dẫn tới tử vong. Polyp đại tràng - một điều kiện được cho là tiền ung thư đại trực tràng, dễ dàng được phát hiện bằng cách sàng lọc và loại bỏ trước khi nó có thể phát triển thành ung thư.

Theo các nhà nghiên cứu, một polyp đại tràng có thể mất khoảng 10 đến 15 năm để phát triển thành ung thư đại trực tràng. Sàng lọc thường xuyên có thể ngăn chặn hoàn toàn bằng cách tìm và loại bỏ các khối u trước khi chúng có cơ hội để trở thành ung thư. Sàng lọc cũng có thể giúp tìm ra bệnh ung thư đại trực tràng sớm, khi khối u còn nhỏ, chưa lây lan, và dễ dàng điều trị.

Khi ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn đầu trước khi nó đã lan rộng, tỷ lệ sống sau 5 năm tới khoảng 90%. Nhưng chỉ có khoảng 40% trường hợp ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn này. Khi ung thư đã lan ra ngoài đại tràng hoặc trực tràng, tỷ lệ sống thấp hơn rất nhiều.

Nghiên cứu cho thấy: ung thư đại trực tràng ở các nước phương Tây và các nước công nghiệp hóa cao hơn các lục địa khác. Ở Châu Á, Nhật Bản là nước có tỷ lệ ung thư đại trực tràng thấp, khi di cư sang Mỹ thì thế hệ sau có tỷ lệ ung thư cao bằng ở Mỹ, tức cao hơn ở Nhật, do thay đổi thói quen ăn uống.

Nguyên nhân gây bệnh

- Ăn ít chất xơ (rau, củ quả) táo bón, tích tụ chất độc trong ruột già.

- Ăn nhiều thức ăn đóng hộp, snack... có nhiều hóa chất bảo quản sinh ra ung thư.

- Ăn nhiều gây béo phì, cũng là một nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường - Giám đốc Y Khoa Bệnh viện Quốc tế City, có thể phòng ngừa thứ cấp bằng cách tầm soát ung thư (quan trọng nhất ở nhóm nguy cơ trung bình); nội soi cắt polyp đại trực tràng (60 - 70% tử vong do ung thư); thử máu ẩn trong phân và nội soi đại tràng mỗi 5 năm.

Bác sĩ Cường khuyến cáo: người bình thường không có nguy cơ, tầm soát từ 50 tuổi, người có nguy cơ: tầm soát từ 40 tuổi. Đối với nhóm nguy cơ cao: hội chứng di truyền ung thư như FAP hoặc HNPCC, viêm loét đại tràng, viêm đại tràng do Crohn, thời gian tầm soát rút ngắn lại còn mỗi 1 - 2 năm. Đặc biệt, người dân cần phải đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường, không chủ quan khiến bệnh trở nặng mới phát hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục