Phẫu thuật ít xâm lấn, cơ hội mới cho bệnh tim bẩm sinh

Thảo Vi, icon
10:05 ngày 10/08/2018

VTV.vn - Phẫu thuật ít xâm lấn đang là xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam bởi các ưu điểm vượt trội mà phương pháp này mang lại.

Theo bài phát biểu tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VII, chuyên ngành phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về cả số lượng và chất lượng. Những ca phẫu thuật thuộc bình diện khó khăn phức tạp nhất trong lĩnh vực tim mạch cũng đã được thực hiện một cách thường quy tại các trung tâm phẫu thuật lớn như phẫu thuật sửa chữa dị tật tim bẩm sinh phức tạp, phẫu thuật sửa van tim, lóc động mạch chủ cấp tính, bệnh lý van tim – mạch vành, ghép tim, phẫu thuật tim hở nội soi hỗ trợ, nội soi toàn bộ, phẫu thuật nội soi lồng ngực…

Trong đó, phẫu thuật ít xâm lấn và nội soi điều trị bệnh tim bẩm sinh đã dần trở thành một phương pháp điều trị khá phổ biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Phương pháp này mang tới nhiều ưu điểm, giúp các bệnh nhân có thể nhanh chóng hồi phục và ít để lại sẹo.

Tại Việt Nam, phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn mới được áp dụng cho phẫu thuật tim mạch. Ở Hà Nội có Trung tâm tim mạch bệnh viện E, bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai. Ở thành phố Hồ Chí Minh có Bệnh viện Đại học Y Dược, ngoài ra còn có Bệnh viện TW Huế và Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng đã áp dụng mô hình này. Trong đó, Trung tâm tim mạch Bệnh viện E là cơ sở đầu tiên áp dụng từ năm 2011 và sử dụng phương pháp này nhiều nhất. Cho tới năm 2018, Trung tâm tim mạch Bệnh viện E đã thực hiện thành công trên 600 ca cho cả trẻ em và người lớn.

Tại Hội nghị Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực toàn quốc Việt Nam, khẩu hiệu "Phẫu thuật ít xâm lấn" liên tục được nhấn mạnh. Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các khái niệm liên quan đế phẫu thuật ít xâm lấn và nội soi điều trị bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là ở trẻ em.

Trong buổi livestream ngày 9/5 của chương trình Trái tim cho em, TS. BS Đỗ Anh Tiến - Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện E đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về phẫu thuật ít xâm lấn và điều trị nội soi bệnh tim bẩm sinh. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, bác sĩ Đỗ Anh Tiến đã mang tới những kiến thức liên quan tới phương pháp cũng như hướng dẫn chăm sóc cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh sau phẫu thuật.

Phẫu thuật ít xâm lấn, cơ hội mới cho bệnh tim bẩm sinh - Ảnh 1.

TS. BS Đỗ Anh Tiến chia sẻ: thông thường, để thực hiện phẫu thuật sửa tim, các bác sĩ tiếp cận tim qua đường mổ giữa, tiếp cận ngoài da ở xương ức. Điều này không chỉ có sẹo mà còn gây ra nhiều biến chứng khi phải tách xương ức (gây gồ lên ở trẻ nữ). Vì vậy, phương pháp ít xâm lấn được sử dụng để tránh tối đa việc mở vùng xương ức. Trong đó, nội soi điều trị là một phần nằm trong phẫu thuật ít xâm lấn. Bên cạnh đó, khả năng hồi phục sau phẫu thuật của bệnh nhân khá cao.

Để thực hiện phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, trước tiên, bác sĩ phải thuần thục trong phẫu thuật kinh điển. Phương pháp này sẽ giúp cho bệnh nhân hạn chế tối đa các tổn thương do phẫu thuật để lại. Với phẫu thuật ít xâm lấn, hầu như không để lại biến chứng với bệnh nhân như với mổ kinh điển mở xương ức và chăm sóc sau mổ của phẫu thuật ít xâm lấn đơn giản hơn so với mổ kinh điển.

Hiện tại, phương pháp này được áp dụng cho các bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ, thông liên thất, thông sàn nhị thất bán phần. Bên cạnh đó, phương pháp này đang được các bác sĩ phát triển để điều trị cho bệnh tim bẩm sinh hẹp đường van thất phải (1 bệnh khá phức tạp). Với bệnh này, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật nội soi.

Khi phẫu thuật tim, trái tim sẽ ngừng đập, phổi không hoạt động nhưng bệnh nhân vẫn phải sống.Vì thế, tổn thương tim BS sẽ phải sửa chữa ở những vị trí rất nhỏ. Khó khăn nhất là thiết lập bộ tuần hoàn ngoài cơ thể, ở trẻ em lại càng khó hơn vì các bộ phận đều chưa phát triển và hoàn thiện.

Sau phẫu thuật, các bậc phụ huynh cần lưu ý cho con tham gia tái khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh và phòng tránh những dị tật ngoài ý muốn.

Thông tin chi tiết về buổi livestream mời quý vị theo dõi trên fanpage của chương trình Trái tim cho em:

Cùng chuyên mục