Phẫu thuật kịp thời một ca chửa kẽ hy hữu

Tuấn Bảo, icon
07:31 ngày 28/06/2019

VTV.vn - Một phụ nữ 38 tuổi ở Hà Nội bị chậm kinh 5 ngày kèm kết quả thử thai có 2 vạch. Tuy nhiên khi đi khám, các bác sĩ chẩn đoán mắc chửa kẽ tử cung góc trái.

Hình minh họa.

Tại Bệnh viện đa khoa Medlatec, qua khai thác tiền tử, bệnh nhân cho biết: đã có 2 con, 2 lần sinh đều mổ đẻ và chưa điều trị bệnh lý sản phụ khoa nào.

Tiến hành thăm khám và siêu âm đầu dò âm đạo, các bác sĩ phát hiện: bệnh nhân không có thai trong tử cung và thấy túi thai ở đoạn kẽ bên trái là phần vòi trứng còn nằm trong lớp cơ của tử cung với kích thước 21x17cm. Bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm và được chẩn đoán: chửa kẽ tử cung bên trái.

Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối chửa. Hiện bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật.

Theo các bác sĩ, chửa ngoài tử cung có thể xảy ra ở nhiều vị trí mà khối thai làm tổ ngoài buồng tử cung. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân trên là chửa kẽ, khó phát hiện. Đồng thời, bệnh nhân không có bất kỳ biểu hiện gì của chửa ngoài tử cung. Nếu không được mổ kịp thời, đoạn kẽ sẽ vỡ và chảy máu ồ ạt trong bụng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Chửa ngoài tử cung hay còn gọi là thai lạc chỗ, khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ngoài buồng tử cung. Trong tổng số ca chửa ngoài tử cung thì có hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng (loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo) và 5% trường hợp còn lại xảy ra ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc sẹo mổ trước đó. Chửa kẽ tử cung tỉ lệ mắc bệnh rất thấp, trung bình khoảng 200.000 phụ nữ mang thai mới có 1 phụ nữ mắc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục