Phòng bệnh cho trẻ khi thủy đậu vào mùa

Ban Thời sự, icon
09:34 ngày 02/04/2017

VTV.vn - Dưới đây là những tư vấn chi tiết từ các bác sĩ trong việc phòng và điều trị bệnh thủy đậu cho trẻ khi vào mùa.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Báo Đời sống pháp luật)

- Thủy đậu vốn là bệnh lành tính, song theo các bác sĩ, nếu các bậc phụ huynh không phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da, để lại các vết sẹo lõm. Biến chứng khác có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng đau ngực, khó thở, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, co giật, hôn mê…, thậm chí tử vong.

- Người lành có thể bị nhiễm virus thủy đậu nếu tiếp xúc với dịch từ bóng nước bị vỡ của người nhiễm bệnh, hoặc hít phải những tia nước bọt khi bệnh nhân ho, hắt hơi.

- Các bác sĩ khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh thủy đậu đơn giản và hiệu quả nhất chính là tiêm vaccine cho trẻ. Những chị em nào có kế hoạch sinh con cũng nên tiêm vaccine ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng, để phòng bệnh và tránh lây từ mẹ sang con.

- Khi ra ngoài, nhất là trong mùa cao điểm thủy đậu, các mẹ nên cho bé đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn, nhỏ mắt mũi bằng nước muối ngay khi trở về nhà.

- Khi trẻ đã bị mắc bệnh thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn; mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi; giữ bàn tay cho trẻ thật sạch; sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa.

- Các bậc phụ huynh lưu ý: Tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo lâu dài.

- Cho trẻ nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly khoảng từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục